14/11/23

Quyết tâm chống tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng


Các thông tin xấu độc, sai sự thật phát tán ở nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa… và cả trong vấn đề chính trị, không chỉ làm hiểu sai vấn đề, gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân.

Tin tức giả, thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu tiêu cực.

Tin giả, tin xấu xuất hiện liên tục

Tin tức giả không dừng lại ở việc cắt ghép, pha trộn với những thông tin chưa kiểm chứng mà còn thổi phồng những vấn đề dư luận quan tâm, giả mạo cơ quan trung ương để nêu ra những yếu kém, khuyết điểm trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý, chính quyền. Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phải khẳng định chưa có một văn bản nào gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc yêu cầu chỉnh sửa hay tạm đình chỉ phát hành phim “Đất rừng phương Nam”.

Lý do bởi trước đó, ngày 18/10, một số hội nhóm và fanpage mạng xã hội lan truyền tin đồn: “Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam chỉnh sửa các nội dung dư luận phản ánh”, bao gồm những nội dung như: “Trang phục, câu chuyện, các hội đoàn… bảo đảm đúng và phù hợp bối cảnh lịch sử”, “Dời thời gian chiếu để chỉnh sửa và duyệt lại”. Khi tin đồn này tung lên mạng, có bài đăng thu hút vài nghìn lượt tương tác, bình luận. Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết đây là thông tin bịa đặt. Chưa có thống kê về hậu quả mà thông tin này mang lại đối với nhà sản xuất phim nhưng cũng đã làm giảm uy tín, danh dự, lòng tin của người dân với luật pháp, cơ quan chức năng.

Nhiều đối tượng còn lợi dụng các thông tin giả nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng sự kiện chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội bị cháy làm 56 người tử vong, 37 người bị thương khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nam thanh niên N.Q.T (sinh năm 1999, ở quận Long Biên, Hà Nội) đã sử dụng tài khoản Facebook “Hoài Thu” giả mạo là bác sĩ để kêu gọi từ thiện giúp đỡ các nạn nhân.

Để tạo thêm sự tin cậy, T lên mạng lấy hình ảnh của một phụ nữ đặt ảnh đại diện cho tài khoản “Hoài Thu” và tự nhận là Trưởng khoa Bệnh viện Bạch Mai rồi dùng tài khoản cá nhân này để kêu gọi từ thiện. Mặc dù bài viết sau đó đã được xóa và chưa nhận được khoản tiền nào nhưng theo cơ quan chức năng bước đầu đã xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tin giả, xấu độc hiện nay có thể được tạo bằng nhiều phương thức như giả tiếng nói, giả hình ảnh, giả video clip ngắn trên các mạng xã hội hoặc bài viết được tạo giống như tin báo chí. Trong khi đó, nhiều người có xu hướng cập nhật thông tin qua mạng xã hội chứ không phải báo chí. Mặt khác, một số phương tiện truyền thông chính thống suy giảm tính tuyên truyền, định hướng, đấu tranh, có xu hướng thương mại hóa, chạy theo dư luận trên mạng.

Thượng tá Lê Cao Bách, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái phân tích, xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng số ngày càng cao, mọi hoạt động kinh tế-xã hội đều gắn với xu hướng này. Ngoài ra, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước.

Chúng sử dụng hàng nghìn trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc, tin giả tác động trực tiếp tới giới trẻ; đáng chú ý là hoạt động tạo lập trang mạng giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hằng ngày, hằng giờ tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công vào những thiếu sót, hạn chế, từng bước làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân, đảng viên, âm mưu hình thành tâm lý phản kháng, thúc đẩy hành vi chống phá chính quyền. Điển hình gần đây nhất là lợi dụng việc điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tài chính, tham nhũng, công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao, các đối tượng đồn đoán xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ, tung tin bịa đặt, thất thiệt, gây hoang mang dư luận, bất ổn thị trường tài chính.

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, để xác định tính chính xác của thông tin hiện nay ngày càng khó khăn bởi số lượng người dùng mạng xã hội không ngừng tăng, độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn suy nghĩ rằng không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do phát ngôn, vô tư đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát.

Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra, rà soát để phát hiện tin giả, thông tin xấu độc liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau. Hiện nay, việc xử lý tin giả, thông tin xấu độc dường như đang “đổ dồn” cho hai đơn vị là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong khi lực lượng mỏng, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng phải bao quát “biển” thông tin rộng khắp.

Khó khăn nữa trong việc xử lý tin giả là hiện nay quy trình xử lý cần phải thông qua việc xác minh thông tin, bởi sau khi các cơ quan chức năng có liên quan xác minh thông tin chính xác hay không rồi mới chuyển cho cơ quan quản lý xử lý kỹ thuật gỡ bỏ, do đó để xử lý được một tin giả, xấu độc mất nhiều thời gian, trong khi thông tin giả, xấu độc đó đã lan tỏa đi khắp nơi.

Vấn đề cấp bách

Bày tỏ nỗi bất bình trước thực trạng tin giả, thông tin xấu độc, nhưng đại diện các cơ quan quản lý cũng thừa nhận rằng nếu ví tin giả, tin xấu độc như “rác” trên không gian mạng thì hằng ngày, hằng giờ vẫn luôn có người xả rác. “Rác” được thu gom hết lại xuất hiện “rác” mới. Theo đánh giá của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, có 4 loại tin giả: Tin giả về thương mại, là những câu chuyện, tin tức nhằm mục đích kinh tế; chủ yếu là để tăng lưu lượng tiếp cận cho website, tài khoản từ đó gia tăng doanh thu thông qua việc tạo những cơn sốt ảo về đất đai, ngoại tệ, sử dụng tin giả để tấn công đối thủ, bôi xấu và tìm cách nhân rộng sự cố.

Tin giả về chính trị nhằm mục đích gây rối loạn xã hội, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm chống phá chế độ. Tin giả về đời sống xã hội, khi những nội dung do người dùng mạng xã hội đăng tải thể hiện quan điểm, góc nhìn cá nhân về một vấn đề hay một đối tượng nhất định, chủ yếu là những vấn đề “nóng” trong xã hội, được dư luận quan tâm, thường chỉ nhằm mục đích sống ảo, câu like, câu view, kiếm lượng người theo dõi vì muốn được nổi tiếng hay phục vụ việc kinh doanh online. Tin châm biếm hài hước với mục đích chỉ để giải trí nhưng vì tính chất không rõ ràng nên dễ bị lợi dụng, chia sẻ thiếu trách nhiệm khiến tin giả lan tỏa mạnh hơn.

Phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Cấn Cao Quyền-Trưởng Văn phòng Luật sư Phụng Hiến (Hà Nội) cho biết lý do tin giả, tin xấu độc có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi phát tán các tin giả, tin sai sự thật và xấu độc trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cũng đang chịu nhiều tác động bên ngoài…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, để ngăn chặn, loại bỏ các thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trong đó có những thay đổi lớn về các chính sách quản lý mạng xã hội, cấp phép thiết lập mạng xã hội; quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới, tăng cường triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng internet… với các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng.

Cụ thể, bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; khóa trang, kênh, tài khoản, ứng dụng; bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng mạng xã hội; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng; đẩy mạnh, triển khai các giải pháp truyền thông chủ động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng mạng thông qua tập huấn dưới nhiều hình thức…

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường ứng dụng công nghệ để rà quét, phân tích dữ liệu, kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok… phải ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng do các đơn vị này cung cấp; phát triển hiệu quả hệ thống các đường dây nóng, các phương tiện công nghệ thông tin như email, ứng dụng tin nhắn trên mạng xã hội để phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm và có biện pháp xử lý; chú trọng phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài; đồng thời có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng.

Đức Thường Hiếu và Thọ Sơn

 

0 nhận xét: