Từ người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Vũ Ngọc
Nhạ được tổ chức chỉ đạo Nam tiến, luồn sâu, leo cao trở thành cố vấn thân cận
cho giới lãnh đạo trong chính quyền Thiệu – Kỳ. Từ Dinh Độc Lập, nhà tình báo
chiến lược Vũ Ngọc Nhạ đã thiết lập nên mạng lưới tình báo, với những cộng sự
là người có địa vị cao trong bộ máy chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tác
giả – nhà văn Minh Chuyên và Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ tại Dinh Độc Lập năm
2001
Được Bác Hồ giao nhiệm vụ tình báo
Con đường vào Dinh Độc Lập của anh bộ đội Vũ Ngọc Nhạ
thật độc đáo. Từ một chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức sắp xếp
(hóa thân) thành kẻ thù bên kia chiến tuyến. Để rồi sau đó ông và cộng sự của
mình trong mạng lưới tình báo H10 – A22, đã làm nên một huyền thoại kỳ diệu
trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ những năm
1960, ông Vũ Ngọc Nhạ đã rất nổi tiếng. Báo chí Sài Gòn và nhiều tờ báo lớn ở
các nước phương Tây nhắc đến ông với những câu chuyện bí ẩn, ly kỳ với sự thán
phục.
Trong bộ hồ sơ ta thu được tại Nha Tổng giám đốc cảnh
sát quốc gia Nguỵ quyền Sài Gòn, có đoạn viết: “Từ trước đến nay, ngoại trừ những
giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp
báo thành công đến như thế. Cụm A22 do ông Vũ Ngọc Nhạ đứng đầu phát triển đều
đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và xuất
sắc. Cụm phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào
được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hoà. Những tin tức chiến lược mà Cảnh
sát Quốc gia biết họ cung cấp, đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ
kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh”.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (sinh năm 1925 tại làng Cọi
Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Cuộc sống lam lũ và những bất
công của xã hội phong kiến nửa thuộc địa sớm ăn sâu vào tâm khảm Vũ Ngọc Nhạ.
Năm 15 tuổi, Vũ Ngọc Nhạ được bố đưa vào Huế theo học tại trường trung học Thuận
Hoá. Những năm học ở trường Thuận Hoá, Nhạ được thầy Hiệu trưởng Tôn Quang Phiệt
bố trí vào tổ chức Thanh niên cứu quốc và được giao nhiệm vụ chuyển thư từ,
phân phát tài liệu cho tổ chức. Năm 1947 Vũ Ngọc Nhạ tình nguyện vào quân ngũ,
trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, công tác tại Thị đội thị xã Thái Bình.
Năm 1952, Vũ Ngọc Nhạ mang tên Vũ Ngọc Kép, có mặt
trong đoàn đại biểu quân sự tỉnh Thái Bình, đi dự Hội nghị chiến tranh du kích
Bắc Bộ tại Việt Bắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng
Văn Thái chủ trì. Trong cuộc Hội nghị này, Vũ Ngọc Nhạ sung sướng biết bao khi
lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Nhạ nghe như nuốt từng lời Bác dạy, đặc biệt là lời
căn dặn: “Phải luôn luôn hết lòng vì dân, dựa vào dân thì việc gì cũng thành
công”. Cũng chính tại cuộc Hội nghị này, Vũ Ngọc Nhạ đã nhận nhiệm vụ quan trọng
do chính Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao phó.
Năm tháng và bao biến cố trong xã hội, trong cuộc đời
đã đi qua, nhưng lời Bác dặn năm ấy, Vũ Ngọc Nhạ vẫn nhớ như in. Bác nói: “Nhiệm
vụ của chú là phải bằng mọi cách để biết được Mỹ đang làm gì, Mỹ sẽ làm gì và Mỹ
đã làm gì”. Giờ, khi kể lại, ông nói: “Lúc ấy có thể chết, có thể lao vào lửa
tôi cũng sẵn sàng. Vì nhiệm vụ của Bác trao, được chết cho cách mạng, chết vì
Bác thì còn gì sung sướng hơn. Nhưng tôi nghĩ, mình phải sống, sống trong lòng
địch để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác giao cho”.
Ông Vũ Ngọc Nhạ (người thứ hai, từ trái qua) và ông Phạm
Xuân ẩn (người bìa phải ảnh) trong lần họp mặt của Tổng cục tình báo (ảnh tư liệu).
Đóng vai sỹ quan Ngụy để vào Nam
Ông Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: “Dẫu sao tôi cũng đã xác định
được mình sẵn sàng hy sinh, đã chấp nhận sự hy sinh thì còn sợ gì nữa. ý nghĩ ấy
đã giúp tôi bình tĩnh, vượt qua biết bao mạo hiểm và đã thoát hiểm. Nhờ thoát
hiểm mà các nguồn tin quan trọng từ phía nội tình của địch, chúng tôi chuyển ra
cho cách mạng mới an toàn”.
Từ ngày 15 đến 22/5/2001, 7 ngày liền chúng tôi mời
ông Vũ Ngọc Nhạ vào “Phủ Tổng thống” để thực hiện những cảnh quay bộ phim tài
liệu “ông cố vấn” trong Dinh Độc Lập. Nơi ông đã từng ngồi “đàm đạo” cùng anh
em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu những năm 1960; cùng Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu mưu toan những việc đại sự của Việt Nam Cộng hoà thời kỳ 1965 – 1969.
Đứng bên cái ghế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cái
ghế nay chỉ còn là một di vật bảo tồn trong Dinh Độc Lập, tôi hỏi ông Nhạ: “Từ
một Thị ủy viên, một anh bộ đội thuộc Tỉnh đội Thái Bình, chỉ ít năm sau, người
ta đã thấy ngày ngày ông ra vào Phủ Tổng thống của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn?”.
“Đó là bước ngoặt đầu tiên của đời tôi. Tôi cũng không nghĩ là mình lại lọt vào
làm việc ở cơ quan đầu não này”, Vũ Ngọc Nhạ bồi hồi nhớ lại.
Năm 1954, hoà bình lập lại, với tờ căn cước hợp pháp,
trút bỏ trang phục anh bộ đội Cụ Hồ, Vũ Ngọc Nhạ “đóng vai” một sỹ quan Ngụy.
ông đưa vợ con từ làng Cọi Khê, theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư
vào Nam. ông tìm cách “bọc mình” thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu
thầm lặng, đầy mạo hiểm bắt đầu từ đây.
Vũ Ngọc Nhạ kể: “Ngày đầu vào Sài Gòn, một lần đi qua
Dinh Độc Lập đứng ở ngoài nhìn, tôi thầm ao ước một ngày nào đó mình sẽ được lọt
vào đó, nhưng ảo tưởng ấy xa vời lắm. Tôi chưa dám mơ bởi ngày đó tôi đã bị mật
vụ Sài Gòn do Dương Văn Hiếu bắt cóc rồi đưa ra biệt giam tại toà khâm sứ ở Huế”.
Người chiến sỹ thông minh, khiêm tốn
Ông Đặng Trịnh, người bạn thân thiết cùng hoạt động với
Vũ Ngọc Nhạ trong tổ chức Thanh niên cứu quốc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái
Bình cho biết: “Ngay khi còn trẻ, anh Nhạ đã tận tình với công việc được giao
và làm việc hết mình. Anh thông minh, ứng xử linh hoạt nhưng lại rất khiêm tốn
và ý tứ giữ gìn. Bản chất con người anh, công việc anh làm đã tạo được uy tín với
nhiều người. Vì thế ngày đó anh rất được tín nhiệm và sau này được cấp trên tin
tưởng giao phó trọng trách. Công việc anh Nhạ làm đầy gian khổ, phải hy sinh và
mạo hiểm. Chúng tôi cũng không ngờ anh đã làm được, hoàn thành trọng trách một
cách tốt đẹp”.
Những chiến công mới biết sau ngày giải phóng
Cuộc đời hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ âm thầm, lặng lẽ
nhưng rất mạo hiểm. ông đã ứng xử “luồn lách” thế nào để vượt qua, “chui sâu,
luồn cao” hoàn thành công việc đặc biệt ấy. Những việc ông làm thật phi thường.
Những gian khổ, căng thẳng, sống chết trong gang tấc kéo dài suốt mấy chục năm,
ông vẫn kiên trì chịu đựng, theo đuổi lý tưởng của người cộng sản. Công việc đặc
biệt của ông mấy ai biết được. Mãi đến năm 1975 khi hai miền Nam Bắc thống nhất,
nhân dân cả nước và đặc biệt là quê hương ông, làng Cọi Khê mới hiểu được chiến
công kỳ diệu của người con quê mình. Họ tự hào vì quê hương đã sinh ra và nuôi
dưỡng một con người trở thành nhà tình báo mưu lược, dũng cảm, trở thành “ông cố
vấn” cho ba đời Tổng thống của chính quyền Sài Gòn mà vẫn hướng tâm mình về với
cách mạng, về với nhân dân.
0 nhận xét: