LTS: Nhà Nguyễn rước Thanh, Xiêm, Pháp vào xâm lược nước ta, hậu duệ theo Mỹ xâm lược Việt Nam. Hệ lụy: đất nước thụt lùi hàng trăm so với thế giới, gây tang tóc đau thương cho dân tộc. Để khẳng định có cần thiết đề nghị công nhận công lao của nhà Nguyễn hay không, mời quý vị xem rõ những phân tích lập luận sau đây:
Sáng 22-2-2017
tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi thông tin khoa học “Một số
thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân
Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trình bày. Xin nhớ
đây chỉ là một buổi báo cáo “Thông tin khoa học”. Nó không phải là một cuộc tọa
đàm, một cuộc hội thảo, càng không phải là một hội nghị khoa học để ở đó, người
ta có thể nêu lên những kết luận.
Về ý kiến của
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, báo chí đưa tin rất loạn xạ, hàng chục
tờ báo điện tử đã đăng nhiều bài và hầu như chỉ có một cái tít giống nhau:
“Giáo sư Phan Huy Lê đề nghị công nhận công lao của nhà Nguyễn”. Họ giật tít
như vậy cũng có lý do, bởi trong buổi thông tin khoa học này, ông Phan Huy Lê
đã nói: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở
mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1757,
nhà Nguyễn đã định hình được lãnh thổ VN mà về cơ bản gần giống như lãnh thổ VN
hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây Nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển,
các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà Nguyễn có công rất lớn
trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ
- không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này
không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.
Vậy thực hư của
vấn đề ra sao ?
1- Chúa Nguyễn,
Vua Nguyễn và Nhà/Triều Nguyễn - Phải rạch ròi khái niệm:
Ai cũng biết rằng
trong lịch sử Việt Nam, Nhà Nguyễn chỉ là một vương triều phong kiến hoàn chỉnh,
có toàn vẹn lãnh thổ, có hệ thống chính trị của mình cai trị trên toàn bộ lãnh
thổ ấy, có địa vị nhà nước thống nhất và duy nhất để bang giao với nước ngoài kể
từ năm 1802, khi Nguyễn Ánh hoàn thành việc lật đổ Nhà Tây Sơn, triều đại đã trị
vì trước đó để lên nắm quyền cai trị Đại Việt.
Còn trước thời
điểm ấy, Nhà Tây Sơn, bằng cách dựa vào ý chí của nhân dân, huy động sức mạnh của
toàn dân, trong 16 năm (1771-1787) đã lần lượt đánh dẹp các thế lực phong kiến
cát cứ ở Đàng Ngoài (Vua Lê – Chúa Trịnh) và Đàng Trong (Chúa Nguyễn), thu
giang sơn Việt Nam về một mối, đất nước thoát khỏi cảnh bị chia cắt Bắc – Nam
trong suốt 148 năm (1627 – 1775). Trong thời gian 148 năm nội chiến Đàng Ngoài
– Đàng Trong ấy, các thế lực phong kiến họ Trịnh (Đàng Ngoài) và họ Nguyễn
(Đàng Trong) đã gây ra 8 cuộc nội chiến lớn và hàng trăm cuộc xung đột vũ trang
nhỏ. Có những cuộc chiến kéo dài hàng chục năm. Cuộc chiến Trịnh – Nguyễn đã
làm hao tổn không biết bao nhiêu sức người, sức của của nhân dân dân, triệt phá
hàng loạt đồng ruộng, xóm làng.
Trong quá trình
xây dựng đất nước từ đống hoang tàn, đổ nát, hậu quả cuộc chiến kéo dài gần một
thế kỷ rưỡi, nhà Tây Sơn còn hai lần đánh bại hai thế lực phong kiến hùng mạnh
xâm lược Đại Việt là triều đình Xiêm La (Thái Lan) ở phía Nam và Nhà Thanh ở
phía Bắc. Điểm đặc sắc là trong cả hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm do Nhà
Tây Sơn tiến hành, quân xâm lược đều có sự tiếp tay của những kẻ phản dân, hại
nước. Đó là Lê Chiêu Thống cầu viện giặc Thanh và Nguyễn Ánh cầu viện giặc Xiêm
La.
Trong lập luận
của mình, ông Phan Huy Lê đã đánh đồng các Chúa Nguyễn, một thế lực phong kiến
cát cứ ở phía Nam mà người Việt Nam cũng như lịch sử Việt Nam chưa từng công nhận
là một nhà nước hoàn chỉnh ngang hàng với một vương triều phong kiến. Bởi vì về
danh nghĩa, đứng trên cả hai thế lực phong kiến cát cứ này còn có Nhà Lê trung
hưng, và cả hai thế lực này đều trương khẩu hiệu chính trị “Phò Lê”. Bằng việc
này, ông Phan Huy Lê đã phủ nhận sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam, công nhận
tính hợp pháp và hợp lý của việc chia cắt đất nước. Đó là sai lầm về đạo đức
nghề nghiệp không thể tha thứ.
Điểm thứ hai là
công lao mở cõi được quy cho cái gọi là “Nhà Nguyễn” mà theo ý của ông Phan Huy
Lê, nó bao gồm cả các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.
Cho đến nay,
công lao mở cõi về phương Nam là công của 9 đời Chúa Nguyễn. Công lao thống nhất
đất nước, xóa bỏ sự chia cắt Đàng trong - Đàng ngoài là của Nhà Tây Sơn, Nguyễn
Ánh chỉ tọa hưởng kỳ thành.
Là một nhà sử học
gạo cội, liệu ông Phan Huy Lê có thể phân biệt được đâu là các vua, đâu là các
lãnh chúa phong kiến không?
Với việc gộp cả
9 đời chúa Nguyễn có công mở mang bờ cõi với 13 đời vua Nguyễn, trong đó có đến
5 ông vua cắt đất cho giặc và cam tâm làm tay sai bán nước cho giặc, rước voi về
giày mồ (Gia Long, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại, riêng Bảo Đại bán nước
2 lần cho Nhật và cho Pháp); ông Phan Huy Lê đã “trộn phấn với vôi” để rửa mặt
cho các triều đình của Gia Long, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại.
2- Ý thức về
quyền dân tộc tự quyết.
Nếu chỉ xem qua
những phát biểu của ông Phan Huy Lê tại buổi thông tin khoa học nói trên như
báo chí đã đăng thì vẫn còn chung chung và chưa rõ ràng. Phải tìm đến những
phát biểu của ông ấy trước đây 9 năm, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên
Khánh Linh của báo Vietnamnet, chúng ta mới thấy rõ những ẩn ý của ông ấy.
Trong cuộc phỏng vấn, khi được phóng viên hỏi: “Còn những hạn chế của vương triều
Nguyễn thì sao, thưa GS? Nguyễn Ánh có tội hay không, khi đưa quân Xiêm vào để
chống lại nhà Tây Sơn? Hay vua Tự Đức có bán nước”; ông Phan Huy Lê đã trả lời:
- “Đúng là
trong cuộc đấu tranh chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đưa quân Xiêm vào. Trước đây
có quan điểm cực đoan gọi đây là hành động "cõng rắn cắn gà nhà", là
"bán nước". Đúng là không thể biện hộ cho hành động "không
sáng" này, cũng có thể coi là một tì vết trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh,
nhưng phải nhìn nhận công bằng. Trong những cuộc đấu tranh bên trong quyết liệt,
việc nhờ đến ngoại viện là chuyện thường xảy ra trong lịch sử. Nhưng điều quan
trọng nhất là người cầu ngoại viện phải giữ được độc lập chủ quyền của dân tộc,
đưa lại lợi ích cho đất nước, còn nếu cầu ngoại viện mà bất lực để mất nước thì
có tội lớn”. (bài báo đó vẫn còn đây: http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/10/808823/).
Đúng là tận
cùng của sự lắt léo. Ông ấy biện hộ rằng: “Trong những cuộc đấu tranh bên trong
quyết liệt, việc nhờ đến ngoại viện là chuyện thường xảy ra trong lịch sử”. Vậy,
ông Phan Huy Lê có thể dùng lập luận này để biện hộ cho việc Trần Ích Tắc cầu
viện giặc Nguyên vào xâm lược nước ta không ? Liệu ông có thể dùng lập luận này
để biện hộ cho Trần Thiêm Bình cầu viện giặc Nhà Minh vào xâm lược nước ta và
gây ra thảm cảnh: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới
hầm tai vạ” không ? Liệu ông có thể dùng lập luận ấy để biện hộ cho hành động
Lê Chiêu Thống cầu viện giặc Thanh vào xâm lược miền Bắc nước ta không ? Và ông
có thể dung lập luận ấy để biện hộ cho Bảo Đại cộng tác với giặc Pháp xâm lược
đất nước ta một lần nữa không ? Ông có thể dùng lập luận ấy để biện hộ cho việc
Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi Mỹ hãy đem B-52 ném bom cho tan nát Hà Nội vào cuối
năm 1972 được không ?
Cuộc chiến của
Nguyễn Ánh chống lại Nhà Tây Sơn và đưa ông ta lên cầm quyền vào năm 1802 thực
chất là một cuộc chiến tranh phản cách mạng với sự trợ giúp về tiền bạc, vũ khí
và cả cố vấn quân sự của thực dân Pháp. Về bản chất, sự trợ giúp của người Pháp
cho Nguyễn Ánh là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vi phạm thô bạo
chủ quyền của Việt Nam (và sau này là lãnh thổ Việt Nam). Vậy mà ông Phan Huy
Lê bảo rằng “Trong những cuộc đấu tranh bên trong quyết liệt, việc nhờ đến ngoại
viện là chuyện thường xảy ra trong lịch sử”.
Vậy thì ý thức
về độc lập, chủ quyền của người Việt ở chỗ nào trong con người ông Phan Huy Lê
?
Vậy thì nhận thức
về quyền tự quyết dân tộc của ông Phan Huy Lê ở đâu ?
3- Ai đã không
công nhận công lao của các chúa Nguyễn ?
Điều nực cười
là trong buổi thông tin khoa học do Ban Tuyên giáo TW tổ chức vừa qua, ông Phan
Huy Lê lại nhắc lại một lần nữa ý kiến của ông ta trong Hội thảo về nhà Nguyễn
tổ chức tại Thanh Hóa năm 2008 rằng: “Cần ghi nhận cả về mặt công tích lẫn những
hạn chế về thời kỳ Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn”.
Lưu ý là ở Hội
thảo 2008, ông Lê còn phân biệt Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn. Còn ở buổi thông tin
khoa học vừa qua thì ông ta đã dấn thêm một bước, gọi cả hai là “Nhà Nguyễn”.
Ô hay ? Lịch sử
Việt Nam cho đến nay, có tác phẩm nào là không ghi công tích mở mang bờ cõi cho
đất nước ta, phát triển kinh tế Đàng Trong của các chúa Nguyễn đâu nhỉ ?
Tôi xin dẫn ra
đây mấy đoạn ở trang 333 trong cuốn “Lịch sử Việt Nam – Tập 1” do NXB Khoa học
xã hội ấn hành năm 1971:
“Đàng Trong là
đất mới khai phá, kinh tế công thương chưa trải qua quá trình lâu dài như ở
Đàng Ngoài. Tuy vậy, vào thế kỷ thứ XVII – XVIII, nền kinh tế đó đã phát triển
khá mạnh mẽ và đạt trình đọ không kém gì Đàng Ngoài. Thuận Hóa, Quảng Nam là
nơi tập trung nhiều làng và phương thủ công có tiếng như nghề dệt, gốm, nấu đường,
rèn sắt, đúc đồng… Nghề khai mỏ sắt, mỏ vàng ở miền núi Quảng Nam cũng khá phát
đạt.
Quan hệ hàng
hóa-tiền tệ phát triển có tác dụng mở rộng thị trường địa phương. Rất nhiều hội
chợ mọc lên khắm nơi. Một số thành thị, thương cảng phát triển. Hội An là
thương cảng lớn nhất có quan hệ kinh tế với nhiều vùng… lúa gạo ở Gia Định được
chở ra bán ở Thuận Hóa và Đồng Nai và hàng thủ công từ Thuận Hóa lại được buôn
vào Gia
Bản thân lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về vai trò, vị trí, về công và
tội của các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn cũng rất công tâm, sòng phẳng. Quan
điểm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với lịch sử là rất sòng phẳng,
phân minh. Người không hề công kích các chúa Nguyễn. Cùng với việc kịch liệt
phê phán Gia Long và Tự Đức, Người đã từng viết bài trên báo chí nước ngoài để
đề cao tinh thần yêu nước của 3 ông vua thứ 8, thứ 10 và thứ 11 của vương triều
nhà Nguyễn là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.
Trong báo cáo gửi
Quốc tế Cộng sản ngày 12-7-1940, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: ''Năm 1885 vua
Hàm Nghi và năm 1916 vua Duy Tân đã đứng ra lãnh đạo chống Pháp''. Ngày
24-2-1920, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được thư của Hoàng thân Vĩnh San (vua Duy
Tân), gửi cho Chủ nhiệm báo L'Humanité về việc đòi độc lập cho Việt Nam. Trung
tuần tháng 3/1920, Nguyễn Ái Quốc gặp hai đồng chí Maxele Cachin và Jan Longé
và báo L'Humanité đã mời Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở để bàn về vấn đề này.
Không chỉ Bác Hồ,
trong thế kỷ XX, các đồng chí lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, Nhà nước và Quân đội
ta (như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ
Nguyên Giáp...) cũng đều đánh giá đúng về Vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn nhất
trí với quan điểm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Không ai bài bác và
bôi nhọ thanh danh các chúa Nguyễn. Cũng chẳng có ai phủ nhận sự đóng góp của
triều nhà Nguyễn trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá và văn nghệ...
Vậy thì ông
Phan Huy Lê và các đồ đệ của ông còn đòi hỏi cái gì nữa đây?
4- MƯỢN DANH
KHOA HỌC ĐỂ THỰC HIỆN "DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH" TRONG LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU
LỊCH SỬ.
Việc mượn công
lao của các chúa Nguyễn để “rửa mặt” cho Nguyễn Ánh và các vua Nguyễn như Tự Đức,
Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại thì dứt khoát là không thể được!
Sách “Lịch sử
Việt Nam – Tập 1” do NXB Khoa học xã hội Việt Nam ấn hành năm 1971, trang 380
đã ghi rõ:
“Từ cuối thế kỷ
XVIII, thực dân Pháp đã lợi dụng cuộc chiến tranh phản cách mạng của Nguyễn Ánh
để can thiệp vào nước ta. Sau khi lên làm vua, Gia Long đã “trả ơn” bọn xâm lược
bằng cách lưu dụng một số người Pháp làm quan lại trong triều và để cho giáo sĩ
người Pháp tự do truyền đạo trong nước. Nhờ đó, bọn chúng đã vận động Gia Long
lập Hoàng tử Cảnh, người chịu ảnh hưởng của Pháp làm thái tử. Số người Pháp làm
quan trong triều giữ liên lạc với chính quyền Pháp. Chúng nhận nhiệm vụ vận động
triều đình Huế ký những điều ước ngoại giao, thương mại có lợi cho chủ nghĩa tư
bản Pháp. Đặc biệt, Hội truyền giáo nước ngoài và bọn gián điệp đội lốt tôn
giáo nấp dưới chiêu bài truyền đạo càng đẩy mạnh hoạt động do thám và gây dựng
cơ sở phản động trong nước ta… Bọn chúng điều tra tình hình mọi mặt của nước
ta, âm mưu phá hoại khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ lương – giáo”.
Có lẽ cần phải
nhắc lại rằng ông Phan Huy Lê chính là một trong hơn 100 nhà sử học Việt Nam
khi đó đã tham gia biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam” nói trên.
Bản thân ông ta
cũng có 2 tác phẩm viết riêng (các cuốn các cuốn “Lịch sử chế độ phong kiến Việt
Nam – Tập II” và “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ) cùng 2
tác phẩm viết chung (các cuốn “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam – Tập III” và
“Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng đất nước vào thế kỷ XV”) được dùng
làm tài liệu tham khảo để biên soạn bộ sách trên. Thế mà nay, ông ta lại NÓI
NGƯỢC LẠI. Thái độ không nhất quán trong khoa học ấy chỉ có thể gọi là CHỦ
NGHĨA XÉT LẠI LỊCH SỬ, là một thứ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong khoa học
lịch sử, tất yếu sẽ dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
về chính trị. Đây là điều mà các thế lực thù địch và phản động mong muốn.
9 năm trước
đây, khi theo dõi cuộc Hội thảo về chúa Nguyễn và nhà Nguyễn được tổ chức với
quy mô lớn tại tỉnh Thanh Hoá, được báo chí tuyên truyền rầm rộ, nhiều người
dân ở thành phố Hồ Chí Minh đã ngạc nhiên. Họ phát biểu: ''Những câu: ''Gia
Long cõng rắn cắn gà nhà'', “Rước voi về dày mả tổ'', ''Phan Lâm mãi quốc, triều
đình khí dân”,... đâu phải đến thời bây giờ mới có và đâu phải chỉ lưu hành
riêng ở miền Bắc. Nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tại thành phố này qua
các bậc trung học và đại học, chúng tôi đã từng nghe các giáo sư dưới chế độ cũ
khi bước lên bục, đều giảng như vậy cả. Thế nhưng không hiểu vì sao, hàng chục
năm qua, một số người làm công tác nghiên cứu sử học ở miền Bắc lại tìm mọi
cách để phản bác những câu nói đó ?”.
Giáo sư Trần
Văn Giàu, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà sử học lão thành, là bậc
thầy của ông Phan Huy Lê, được cán bộ và nhân dân mến mộ, cũng đã giữ quan điểm
đúng đắn trong việc đánh giá vương triều nhà Nguyễn. Chính vì lẽ ấy, Giáo sư Trần
Văn Giàu đã không đồng tình với tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Phan
Thanh Giản bằng lối văn hư cấu tuỳ tiện, thoát ly hiện thực lịch sử... Giáo sư
Trần Văn Giàu đã tạ thế, Phan Huy Lê và các môn đệ của ông ta như được “dọn vật
cản”, đã lấn thêm những bước mới.
Vào tháng 7 năm
2016, khi Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị ông Nguyễn Đình Đầu,
tác giả cuốn “Trương Vĩnh Ký – Nỗi oan thế kỷ” sửa lại tên cuốn sách này và một
số đoạn viết cho trung thực, khách quan thì ông này kiên quyết khước từ. Những
đoạn viết không trung thực, không khách quan về Trương Vĩnh Ký chính là việc
tác giả đã đánh lộn sòng công và tội của Trương Vĩnh Ký, biến những hành vi đi
ngược lại quyền lợi dân tộc của Trương Vĩnh Ký thành công lao. Kết quả là cuốn
sách không được phép phát hành. Thế nhưng ông Phan Huy Lê vẫn lớn tiếng bênh vực
cho cuốn sách này qua lời giới thiệu của mình.
Về cuốn sách
nói trên, tạp chí mạng “Tôn giáo và dân tộc” đã thẳng thừng đặt câu hỏi:
“Trương Vĩnh Ký phản bội tổ quốc, sao gọi là nỗi oan thế kỷ ?” Với nhiều tài liệu,
chứng cứ xác đáng được dẫn ra, tác giả Bùi Kha đã vạch rõ: “Với những chứng cớ
quá rõ ràng qua các văn thư do chính Trương Vĩnh Ký và các viên chức cao cấp thực
dân Pháp viết, chúng ta có thể kết luận dứt khoát rằng Trương Vĩnh Ký là một
người phản bội tổ quốc. Ông không có một mảy may công lao nào đối với dân tộc,
ngược lại, ông hoàn toàn là kẻ có tội. Từ những ý đồ và hành động chính trị,
cho đến các công trình mang tính văn hóa nói chung của họ Trương, tất cả chỉ
xoáy vào một mục đích duy nhất là phục vụ cho chính sách thực dân Pháp để nô lệ
và đồng hóa dân tộc ta.”
Vào tháng 10
năm 2009, trên tạp chí “Xưa và Nay”, ông Phan Huy Lê còn phủ nhận sự kiện Anh
hùng liệt sĩ Lê Văn Tám tẩm xăng vào thân mình để đốt kho xăng Thị Nghè của thực
dân Pháp. Chứng cứ duy nhất mà ông ta bảo rằng mình có là lời dặn của giáo sư
Trần Huy Liệu nhưng ông ta lại không đưa ra được một bằng chứng xác thực nào.
Thiết nghĩ, việc ông Phan Huy Lê dẫn ra lời dặn ấy chẳng khác gì Trương Huy San
“nhét chữ vào miệng” một anh chàng Hàn Quốc nào đó bảo rằng: “Tao không nghĩ là
chúng mày đã đánh đuổi hai đế quốc lớn mà chúng mày đã đánh đuổi hai nền văn
minh lớn của thế giới” để rồi từ đó, biện hộ cho những lập luận sai lầm của
mình.
Một trong những
sai lầm trong đánh giá của ông Phan Huy Lê về quá trình nghiên cứu lịch sử Việt
Nam từ năm 1954 đến nay là ông ta cho rằng có “Quan điểm chính thống”. Đây là một
sự bịa đặt.
Bởi đối với
khoa học thì không bao giờ có cái gọi là “quan điểm chính thống” và “quan điểm
không chính thống”. Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ đặt vấn đề “quan điểm
chính thống” đối với khoa học trong tất cả các văn kiện của mình. Quan điểm của
Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về sử học thống nhất với nguyên
tắc chép sử vốn có từ xưa là:
1) “Có gì thì
viết nấy – không có thì không viết".
2) “Thiếu thì
viết thêm cho đủ - không viết thừa".
3) “Sai thì viết
lại cho đúng – không bịa đặt".
4) “Viết sử phải
khách quan, có minh chứng – không viết lung tung".
5) “Bình luận,
đánh giá lịch sử phải có căn cứ xác đáng – không phán xét bừa bãi”.
Mặc dù ông Phan
Huy Lê là một trong những người đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử là một
môn học độc lập trong các chương trình dạy học phổ thông; nhưng càng ngày, càng
lộ rõ rằng ông ấy muốn giữ lại lịch sử nào?! Với cái mạch tư duy kiểu như của ông
Phan Huy Lê và một số người muốn xét lại lịch sử hay nói đúng hơn là lật đổ lịch
sử, người ta sẽ công nhận việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là chuyện đương
nhiên đúng đắn, sẽ công nhân việc đến quốc Mỹ xâm lược Việt Nam là chuyện đương
nhiên đúng đắn, sẽ công nhận việc chia cắt Miền Bắc, Miền Nam sau Hiệp định ngừng
bắn Geneve là chuyện tất - lẽ - dĩ - ngẫu. Và sau đó, sẽ là việc thừa nhận
chính quyền ngụy Sài Gòn là hợp pháp; sẽ là phủ nhận toàn bộ hai cuộc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ. Từ đó, dẫn đến việc phủ nhận chế độ chính trị hiện nay ở
Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những lập luận
của ông Phan Huy Lê sẽ được bọn phản động sử dụng để biện hộ cho luận điệu của
tay văn sĩ bồi bút Trương Huy San (tức Huy Đức, tức San Hô) trong cái gọi là
tác phẩm "Bên thắng cuộc" của anh ta. Là một nhà khoa học, ông Phan
Huy Lê có cảm thấy mình có trách nhiệm gì với dân tộc, với đất nước không khi
ông tung ra một vấn đề rất hệ trọng mà lại có lối nói nước đôi, không nhất quán
như thế?
Nếu những vấn đề
trên đây không được giải quyết rốt ráo, sẽ dẫn đến sự rối loạn về nhận thức
trong xã hội. Thật vậy, trong việc đánh giá vương triều nhà Nguyễn, hàng chục
triệu nhân dân ta - nhất là một khối lượng rất lớn học sinh, sinh viên, nghiên
cứu sinh đang ngồi học tập và viết luận án khoa học trên ghế nhà trường sẽ nghe
và viết theo quan điểm của ai ? Nghe và viết theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ
Chí Minh, theo quan điểm sử học của Đảng ta, hay nghe và viết theo quan điểm của
một số nhà nghiên cứu lịch sử đã và đang được công khai quảng bá trên các
phương tiện thông tin đại chúng, trong buổi thông tin khoa học do Ban Tuyên
giáo trung ương vừa tổ chức, trong cuộc hội thảo năm 2008 tại tỉnh Thanh Hoá và
trong những cuộc hội thảo trước đó.
Chúng ta đặc biệt
quan tâm đến chủ trương của Hội Khoa học lịch sử về việc gấp rút tiến hành chỉnh
sửa sách giáo khoa phổ thông về Sử học và chuẩn bị biên soạn bộ quốc sử mới,
như báo chí đã nhất loạt đưa tin. Đây là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng. Chúng ta
hoàn toàn không yên tâm nếu như nhiệm vụ này được giao trọn gói cho những người
đã từng đi chệch tư tưởng Hồ Chí Minh về sử học và đã nặng lời công kích
“Phương pháp luận sử học mác-xít ấu trĩ, giáo điều, công thức''. Vậy thì thử hỏi,
nếu giao cho họ chỉnh sửa sách giáo khoa sử học và biên soạn bộ Quốc sử của nước
nhà, họ sẽ đứng trên quan điểm lập trường nào và theo phương pháp luận sử học của
ai ? Điều đó chắc chắn sẽ gây ra cho chúng ta những tổn thất không nhỏ trong
lĩnh vực công tác giáo dục, cũng như trên địa hạt tư tưởng.
Sử học là một
trong những lĩnh vực hoạt động hết sức nhạy cảm và có tầm quan trọng sống còn
trên mặt trận tư tưởng. Nếu chúng ta không quan tâm chăm lo củng cố sự vững mạnh
của ngành sử học kể cả trên ba mặt: về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức, ắt
sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng một trong
những nguyên nhân làm cho Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ là những
nhà lãnh đạo các Đảng Cộng sản và Công nhân cầm quyền ở những nước đó đã mất cảnh
giác, đã bị tên gián điệp Aleksandre Yakovlev, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị,
Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thao túng, đã để cho chủ
nghĩa xét lại lịch sử hoành hành. Kết quả là chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nước
đó bị lật đổ trước hết là về lịch sử và sau đó là về chính trị./.
(Đại tá Nguyễn
Minh Tâm, Giảng viên cao cấp Học viện Cảnh sát nhân dân)
0 nhận xét: