Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới,
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực và trở
thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, khẳng định vị
thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Những đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong
các tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được các nước ghi nhận, góp phần tích
cực vào sự phát triển chung của thế giới.
Tuân thủ các nguyên tắc, cam kết
và thể chế quốc tế
Là thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977),
Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc
và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các
quốc gia, không đe đọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng
các biện pháp hòa bình, đóng góp tích cực trong giải quyết xung đột, khủng hoảng
trên thế giới. Biểu hiện rõ nét là việc Việt Nam luôn chủ động và tích cực
thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề chủ quyền biên giới trên bộ
và trên biển với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, nhằm góp phần thúc đẩy
vai trò Liên hợp quốc là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, Việt
Nam tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc.
Năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký kết Hiệp ước Cấm vũ khí hạt
nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này. Điều này thể hiện cam kết
mạnh mẽ của Việt Nam đối với trách nhiệm chống phổ biến vũ khí hạt nhân, góp phần
gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã tham gia hầu hết
các công ước quốc tế về quyền con người; cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
của mình theo Tuyên ngôn nhân quyền và các công ước quốc tế. Bên cạnh đó, để
góp phần thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhân dân, Chính phủ còn chủ động điều
chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp với quá trình triển khai thực
hiện các cam kết. Việt Nam đã rất thành công khi đảm nhiệm vị trí, vai trò là
thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện
thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nhận định:
“Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con
người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế
– xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một
thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn
trong giai đoạn tới”(1).
Sau 26 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam luôn tuân thủ sáu nguyên tắc chính được nêu trong
Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC): Một là, cùng tôn
trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất
cả các quốc gia; hai là, quyền của mọi quốc gia được tồn tại mà
không có sự can thiệp, lật đổ hoặc áp bức của bên ngoài; ba là,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bốn là, giải quyết bất
đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; năm là, từ bỏ việc đe
dọa hoặc sử dụng vũ lực; sáu là, hợp tác với nhau một cách có hiệu
quả(2).
Khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO), Việt Nam luôn tuân thủ Bộ Quy tắc thương mại toàn cầu và giảm thiểu các
rào cản thương mại quốc tế, thực hiện đầy đủ các quy định mang tính ràng buộc của
WTO, như các cam kết về thuế quan, tài chính, mở cửa thị trường hàng hóa, mở cửa
thị trường dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó còn có các cam kết
tài chính khác, như định giá trị hải quan, chính sách giá, chính sách trợ cấp,
chính sách phí và lệ phí. Các cơ quan nhà nước đã tiến hành rà soát, sửa đổi
nhiều luật cũng như các văn bản dưới luật, như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật
Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ… để hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với
các quy tắc pháp lý của WTO. Việc tuân thủ các quy định trong điều kiện nền
kinh tế đang phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp là sự thể
hiện nỗ lực cao của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các
cam kết quốc tế. Bởi, bên cạnh những cơ hội trong hội nhập quốc tế, việc tuân
thủ các cam kết tạo ra sức ép lớn đối với nền kinh tế, đòi hỏi vượt lên sự cạnh
tranh không chỉ ở tầng cấp sản phẩm, doanh nghiệp mà cả trên bình diện quốc
gia.
Xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia – dân tộc
và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc
diễn ra ngày càng gay gắt, các quốc gia vừa và nhỏ đều nhận thấy lợi ích quốc
gia – dân tộc sẽ chỉ được bảo đảm khi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế được
bảo đảm dựa trên luật lệ quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Bên cạnh đó, phải nhìn
nhận rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích quốc tế, bởi khi các quốc gia có những
lợi ích chung mới có thể cùng nhau hợp tác, xử lý và giải quyết những vấn đề
xung đột lợi ích. Để xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cộng
đồng quốc tế, Việt Nam đã xây dựng, củng cố các hợp tác song phương và đa
phương; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho quá trình hội nhập quốc tế.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam
đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng
(ADMM+), lần đầu tiên có sự tham gia của lãnh đạo quan chức quốc phòng cấp cao
của các nước lớn (như Mỹ, Nga, Trung Quốc…), giúp tăng cường giải quyết các
thách thức an ninh khu vực. Việt Nam đã cùng với các quốc gia khu vực phối hợp
thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), làm cơ sở để giải quyết các vấn
đề trên biển, góp phần vào ổn định chung của khu vực. Việt Nam chủ động thúc đẩy
hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mekong theo hướng toàn diện với các đối tác
Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, giúp các nước tại Tiểu vùng sông
Mekong tiếp cận với các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết. Năm 2020, đảm nhận trọng
trách Chủ tịch ASEAN, một trong năm ưu tiên thúc đẩy mà Việt Nam lựa chọn là
duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực trên cơ sở tăng
cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ
lẫn nhau giữa các thành viên. Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009, Việt Nam đã cùng các nước thành viên
khéo léo xử lý những khác biệt nảy sinh, giải quyết các tranh chấp trong khu vực
bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, phù hợp với các thỏa thuận giữa
hai nước và luật pháp quốc tế, tránh xung đột vũ trang và ảnh hưởng tới sự đoàn
kết của ASEAN. Đối với vấn đề hạt nhân trong khu vực, Việt Nam bày tỏ quan điểm
tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của các quốc
gia, song cũng mong muốn ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Quan điểm của
Việt Nam trong việc giải quyết quan hệ giữa các nước đều dựa trên cơ sở tôn trọng
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của
nhau, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, đề cao vai trò trung gian, hòa giải.
Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam đã ghi rõ “dấu ấn” trong việc
nhấn mạnh đến lợi ích chung của khu vực và toàn cầu về duy trì hòa bình và an
ninh quốc tế. Tháng 1-2020, Việt Nam đã chủ trì thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân
thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” với sự
tham gia của 111 diễn giả đến từ 106 quốc gia, là phiên thảo luận với số diễn
giả tham gia đông kỷ lục; lần đầu tiên tổ chức diễn đàn trao đổi “Hợp tác giữa
Liên hợp quốc và ASEAN”. Thông qua sự kiện này, cộng đồng quốc tế đánh giá rất
cao vai trò của Việt Nam trong việc góp phần thúc đẩy, đề cao sự đoàn kết và
tăng cường kết nối giữa ASEAN với Liên hợp quốc. Điều này cũng thể hiện cam kết
mạnh mẽ của Việt Nam trong việc duy trì, thúc đẩy các lợi ích chung toàn cầu.
Có thể thấy rằng, những đóng góp của Việt Nam thời gian vừa qua càng góp phần
nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, tạo cơ sở thuận
lợi để chúng ta tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước
Đóng
góp nhiều sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực
Với vai trò Chủ tịch Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hai sự
kiện quan trọng và tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với cộng đồng quốc tế, đó là “Thảo
luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp
quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và “Phiên họp về hợp tác giữa
Liên hợp quốc và ASEAN”. Đây là lần đầu tiên các chủ đề này được thảo luận tại
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một trong những sáng kiến đáng chú ý khác của
Việt Nam tại Hội đồng Bảo an thời gian qua chính là đề xuất và thúc đẩy thông
qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế sẵn sàng chống
dịch bệnh 27-12 hằng năm với số lượng nước đồng bảo trợ đạt kỷ lục (112 quốc
gia). Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những sáng kiến góp phần đề cao vai trò, hợp
tác và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Với vai trò Chủ tịch Diễn
đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 2001, Việt Nam triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN
(IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ thành viên mới hội nhập khu
vực. Khi tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đưa ra Sáng kiến về xây
dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm
2010, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ sáng kiến đề ra trong Kế hoạch
tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cao nhất trong ASEAN. Trong
khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM hẹp) lần thứ 26, với vai trò
Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đưa ra 12 đề xuất và đã được thông qua về các
sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực, như thương mại
điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp,
phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo… Trong đó, nổi bật
là sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, được các nước
thành viên ASEAN đánh giá cao bởi ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kịp thời
triển khai các định hướng phát triển cho ASEAN trong tương lai. Bên cạnh đó,
trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với vai trò Chủ tịch ASEAN
năm 2020, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”; thúc đẩy
nhiều sáng kiến quan trọng như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để tiếp nhận những
nguồn hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống dịch của cả khu vực và tổ chức nhiều
hội nghị cấp cao nhằm đưa ASEAN vượt qua đại dịch. Trước những thách thức của
đại dịch COVID-19, Việt Nam chủ động dẫn dắt các hoạt động của ASEAN theo
phương thức hoạt động mới – “ngoại giao số” và đã đạt được nhiều thành công. Có
thể thấy, những sáng kiến được đưa ra trong giai đoạn khó khăn này đã làm nổi
bật vai trò tích cực, nòng cốt, những nỗ lực của Việt Nam trong việc củng cố,
tăng cường đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần nâng cao
vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình tham gia
Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), những sáng kiến nổi bật mà Việt Nam đề xuất có
thể kể đến, như sáng kiến “Hội thảo ASEM về tuyến đường sắt tơ lụa Á – Âu”
(thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á – Âu lần thứ 6 vào tháng 4-2004)
mà Việt Nam đồng sáng kiến với Hàn Quốc và một số nước ASEM khác. Tại ASEM 7,
Việt Nam đưa ra sáng kiến về “Phối hợp các hoạt động văn hóa nhằm tăng cường
quảng bá hình ảnh ASEM”. Việt Nam cũng là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến hợp
tác y tế trong ASEM vào năm 1999 về “Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược
học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đưa
ra sáng kiến về “Xử lý bệnh dịch bùng phát trong cộng đồng” (đồng sáng kiến với
Trung Quốc năm 2003).
Giai đoạn đảm nhiệm vai
trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC, năm 2017),
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia triển khai
thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác
kỹ thuật, y tế, đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Góp
phần giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới
Trong nhiệm kỳ Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008 – 2009, Việt Nam đóng
vai trò tích cực và xây dựng tại các cuộc họp, tham vấn và xem xét các quyết
định trên nhiều vấn đề liên quan đến xung đột tại các khu vực, tái thiết hậu
xung đột, khủng bố quốc tế, kiểm điểm các biện pháp trừng phạt, các hoạt động
gìn giữ hòa bình và nâng cao tính minh bạch của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao với chủ đề
“Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy
lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” để đưa ra các
giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực
trong xử lý các thách thức toàn cầu nói chung và ngăn ngừa, giải quyết xung đột
nói riêng ở các khu vực; tổ chức phiên họp cấp Bộ trưởng với chủ đề “Khắc phục
hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động
hiệu quả hơn”. Chủ đề này đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi
nhấn mạnh đến những hậu quả nặng nề do bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến
tranh gây ra và góp phần nâng cao nhận thức của các quốc gia về khía cạnh nhân
đạo, nhân văn và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt
động khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng về chủ
đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ
trang”.
Từ năm 2014, Việt Nam đã
cử sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam
Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Tính đến tháng 11-2019, Việt Nam cử 2 bệnh viện dã
chiến cấp hai tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại hai
quốc gia này. Cuối năm 2018, Việt Nam được Liên hợp quốc lựa chọn làm địa điểm
huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Ngày 13-11-2020, Quốc hội Việt
Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp
quốc, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Đây là bước đi thể hiện sự đóng góp ngày
càng có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên
hợp quốc.
0 nhận xét: