13/2/22

Lan tỏa tri thức trên các nền tảng mạng xã hội

 


Từ những ưu điểm so với các cách thức tiếp nhận kiến thức truyền thống, việc chia sẻ, lan tỏa kiến thức trên các nền tảng xã hội đang ngày càng được quan tâm và dần trở thành một xu hướng. Trong bối cảnh nhiều học sinh ở Việt Nam phải thích ứng với việc học trực tuyến, việc tiếp nhận tri thức lành mạnh qua các nền tảng mạng xã hội trở thành nguồn hỗ trợ trực tiếp, quan trọng. Số liệu thống kê từ cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như thống kê của các công cụ đo lường chỉ số mạng xã hội quốc tế (như NapoleonCat) đều cho thấy tổng số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã đạt tới khoảng 2/3 dân số, trong đó dẫn đầu là Facebook. Việc sử dụng mạng xã hội đã và đang trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ. Đó không chỉ là công cụ giao tiếp, kết nối, giải trí đơn thuần, mà đang trở thành một kênh thông tin quan trọng cung cấp tin tức, kiến thức về nhiều lĩnh vực của cuộc sống.


Mặt khác, các nền tảng xã hội với công cụ hỗ trợ đa dạng còn tạo cơ hội giúp nhiều bạn trẻ thực hiện các dự án, chia sẻ, lan tỏa kiến thức hữu ích với cộng đồng. Bởi, sinh ra trong thời đại số và sớm được tiếp cận với công nghệ thông tin, giới trẻ ngày nay có rất nhiều thuận lợi trong việc học tập, tiếp thu tri thức. Ngoài không gian trường học, nếu có ý thức nghiêm túc, mọi người có thể chủ động và dễ dàng tìm kiếm kiến thức từ các nguồn khác. Như chỉ với điện thoại thông minh kết nối internet là có thể tra cứu thông tin trên mạng, tải các app học tập, tham gia livestream chia sẻ kiến thức, hoặc trở thành thành viên của các hội, nhóm chia sẻ kiến thức qua các mạng xã hội…

Chính vì thế, chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội thông qua hoạt động sáng tạo các video có nội dung học tập đã trở thành xu hướng được nhiều nền tảng công nghệ tập trung phát triển với những dự án, chiến dịch lớn. Như Learn on Tiktok là một dự án chia sẻ video có nội dung học tập, kiến thức thuộc các môn học: Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học… trên nền tảng Tiktok-mạng xã hội được sử dụng phổ biến thứ 2 sau Facebook tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, chiến dịch này đã có hơn 3,7 triệu video mang nội dung giáo dục, thu hút 140 tỷ lượt xem. Nhiều tài khoản thu hút tới hàng triệu lượt theo dõi như: tài khoản Bình Nè (binhneee) 1,2 triệu lượt theo dõi các video có nội dung xoay quanh kiến thức lịch sử, địa lý, ẩm thực vùng miền, danh nhân đất Việt; tài khoản Caocuongvu (2,9 triệu followers)-người sáng tạo nội dung “những sự thật lạ lùng bạn chưa bao giờ biết” với hàng triệu lượt xem cho mỗi video. Không chỉ riêng Tiktok, các nền tảng mạng xã hội khác như: Facebook, Youtube, Instagram,… cũng là nơi giới trẻ lan tỏa kiến thức đến cộng đồng.

Mới đây, kênh trực tuyến “Công tắc khoa học” (trong khuôn khổ dự án Khoa học phiêu lưu kí) vừa ra mắt với nhiều hoạt động học tập được chia sẻ trên Fanpage chính thức của dự án, trên các trang Facebook khác, đang được kỳ vọng sẽ góp phần lan tỏa, mở rộng cơ hội và giúp học sinh trên cả nước tiếp cận kiến thức, thực hành khoa học phù hợp bối cảnh, xu hướng hiện tại của giáo dục. Ngoài ra, hình thức học qua livestream trên Facebook đang được giới trẻ đón nhận và yêu thích, bởi hình thức học này giúp họ có thể tiếp cận kiến thức mà không phải ra khỏi nhà. Hơn nữa, khi học qua livestream, người học có thể tương tác ngay tại thời điểm hiện tại với người dạy, thảo luận với bạn học bằng các bình luận ở phía dưới video. Thời gian trao đổi và nhận phản hồi diễn ra nhanh hơn hẳn các hình thức khác, tạo hứng thú cho người học.

Nhìn chung, các video cung cấp kiến thức trên các nền tảng mạng xã hội là hình ảnh thân thiện, có nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, khiến người học dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ. Với khá nhiều ưu điểm, các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội đang dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của học sinh, sinh viên ở thời đại số. Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý học sinh, không ít thầy, cô giáo đã lựa chọn mạng xã hội để cung cấp hoặc chia sẻ kiến thức khá hiệu quả và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Trong thời gian việc học tập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các nền tảng mạng xã hội không chỉ giúp học tập, mà còn là “địa chỉ” ôn thi khá hiệu quả trong việc học và thi trực tuyến.

Vào tháng 6, tháng 7/2021, nền tảng TikTok đã hợp tác với nhiều tổ chức giáo dục, trường đại học khởi động chiến dịch “Ở nhà ôn thi” (ONhaOnThi) giới thiệu chuỗi bài giảng trực tuyến về các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học… Chiến dịch đạt được hơn 728 triệu lượt xem, mở ra không gian kết nối, chia sẻ và chủ động ôn tập kiến thức ngay tại nhà cho học sinh trong khi đại dịch diễn biến phức tạp. Có thể thấy, chưa bao giờ mạng xã hội lại sôi động và trở thành kho tài nguyên phục vụ việc học tập đa dạng như hiện nay. Theo Nicholas Phạm-Giám đốc Vận hành sản phẩm Tiktok tại Việt Nam, kể từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2021 những nội dung về giáo dục trên nền tảng Tiktok đã tăng hơn 30 lần.

Con số đó cho thấy rất nhiều người dùng mong muốn được tiếp cận những nội dung liên quan đến giáo dục trên các nền tảng công nghệ. Đồng thời, ngày càng có nhiều người mong muốn tạo ra những nội dung kiến thức hữu ích để chia sẻ với cộng đồng. Theo thời gian, phương pháp học, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo nên một cộng đồng lớn, nơi có thể trao đổi thông tin, kiến thức, cùng nhau tranh luận lành mạnh về một vấn đề nào đó. Nhờ vậy người học vừa có thể cải thiện kiến thức của mình, vừa tăng khả năng tương tác với mọi người, cũng như hình thành thêm nhiều mối quan hệ mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc chia sẻ kiến thức trên các nền tảng xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, nhất là vấn đề nội dung được đăng tải. Thực tế, bên những video có nội dung học tập hữu ích, lành mạnh, có không ít video mang nội dung lệch lạc, cổ vũ quan điểm sai trái trong học tập. Một số Tiktoker đã bày “kế” cho học trò lách luật khi điểm danh, ngủ vô tư trong giờ học online, hay thực hiện hành vi gian lận khi thi và kiểm tra trực tuyến. Trong số đó, H.P.N (một TikToker sở hữu 3,8 triệu lượt thích) có một loạt video gây tranh cãi là Study Hack-chỉ học sinh một số mẹo gian lận như: “Cách né bật camera khi học online bằng việc làm màn hình mờ”, “Làm sao để ngủ quên nhưng vẫn an toàn khi giáo viên điểm danh hay gọi bài online”…

Mới đây nhất, H.P.N có video thu hút đến 3 triệu view vì bày cách hack đáp án trong giờ kiểm tra online bằng hình thức trắc nghiệm đã khiến nhiều học trò thản nhiên bắt chước bởi thao tác đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành. Đáng buồn là có nhiều học sinh mong Tiktoker H.P.N ra thêm video dạng này hơn nữa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em, khiến các em nảy sinh tâm lý ỷ lại, thụ động và gian dối trong học tập. Hơn nữa, bên cạnh nội dung thiếu lành mạnh, cũng có nhiều lo ngại về tính chính xác của các kiến thức do nhiều tài khoản mạng xã hội cung cấp, do việc đăng tải video khá dễ dàng, khâu kiểm soát nội dung chưa thật sự chặt chẽ, trong khi kiến thức dành cho học tập luôn đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối.

Ngoài ra, đã xuất hiện biến tướng từ xu hướng học tập trên các nền tảng xã hội đó là một số tài khoản được lập ra với mục đích không phải cung cấp kiến thức mà thực chất chỉ để thu hút like, kiếm tiền. Thậm chí, có hiện tượng mạo danh Facebook của giáo viên, người nổi tiếng mời chào học online, học qua livestream để lừa đảo, thu tiền bất hợp pháp. Điển hình như trường hợp mới đây một giáo viên ở tỉnh Hải Dương đã viết đơn trình báo cơ quan chức năng vì bị lợi dụng tên tuổi để mời chào học online trên mạng xã hội.

Thực tế, nếu được sử dụng đúng đắn, mạng xã hội có thể mang lại nhiều lợi ích cho người học, góp phần bổ sung kịp thời một số khoảng trống kiến thức cũng như nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức tại lớp học. Kết hợp mạng xã hội vào một môi trường đào tạo truyền thống có thể mở rộng sự tự do sáng tạo của người học, và khuyến khích họ tham gia nhiều hoạt động học tập đa dạng. Chưa kể, việc sáng tạo nội dung học tập còn giúp khơi dậy sự đam mê tri thức trong giới trẻ. Vì thế, cần đẩy mạnh hình thức học tập, lan tỏa tri thức trên các nền tảng xã hội, góp phần xây dựng một không gian mạng lành mạnh, đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người có khả năng. Để làm được điều này, cần sự cởi mở về chính sách giáo dục để có thể lồng ghép việc học qua nền tảng xã hội với chương trình, cũng như môi trường học truyền thống.

Bên cạnh đó, vì người học có nhiều em trong độ tuổi đến trường nên sự đồng hành của nhà trường, thầy cô và phụ huynh là rất cần thiết nhằm định hướng, hỗ trợ các em lựa chọn những kênh học tập có uy tín; tránh các tài khoản mạo danh. Và về phía người sáng tạo nội dung cũng cần bảo đảm tính chính xác tuyệt đối của kiến thức, tự cập nhật kiến thức một cách nghiêm túc, có trách nhiệm trước khi công bố; đồng thời cần thuần thục kỹ năng, luôn nỗ lực tìm tòi hình thức mới nhằm thay đổi linh hoạt cách chuyển tải, nâng cao tính hấp dẫn, từ đó tăng cường hiệu quả tương tác, tiếp nhận kiến thức. Về phía các nền tảng mạng xã hội cũng cần có sự hợp tác thiện chí trong việc chủ động rà soát và mạnh tay loại bỏ những video có nội dung xấu, không lành mạnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Quan trọng nhất, người sử dụng mạng xã hội phải tỉnh táo, nhận diện được nội dung học tập nghiêm túc, lành mạnh, có ý nghĩa tích cực, cảnh giác trước mời chào còn thiếu tin cậy, chỉ tham gia chia sẻ kiến thức với những tài khoản, kênh học tập quen thuộc, uy tín.

 

0 nhận xét: