Những ngày qua,
đất nước phấn khởi chào đón mùa xuân mới, cũng là dịp kỷ niệm 92 ngày thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò, vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản
Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Thực tiễn quá trình xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối
với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, vào
mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản
động lại gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá, đưa ra những luận điệu
xuyên tạc hòng làm lung lạc về nhận thức, niềm tin đối vai trò, vị trí cầm quyền
của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Từ đó, chúng tích cực vận
động, tập trung lực lượng, đẩy mạnh hoạt động chống phá hòng làm thay đổi chế độ
chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là âm mưu, luận điệu nguy hiểm,
cần được nhận diện, đấu tranh, phản bác trong công tác tư tưởng hiện nay. Những
luận điệu này tập trung ở những điểm sau đây:
Một là, các
đối tượng xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận cơ sở lý luận về
vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những chiêu bài
mà chúng sử dụng không mới nhưng ngày càng tinh vi và thâm độc hơn. Các đối tượng
lập luận, tuyên truyền, cổ vũ cho việc từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng đây
là sự sai lầm về ý thức hệ; rêu rao học thuyết Mác – Lênin là một “lý thuyết
suông” về CNXH không tưởng, không bao giờ thực hiện được.
Cho rằng sự sụp
đổ của CNXH ở Đông Âu, Liên Xô và trên toàn thế giới là một tất yếu, là sự cáo
chung đã được báo trước; xuyên tạc lý luận về CNXH đã lỗi thời, không còn phù hợp
với thế kỷ XXI, đặc biệt không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay và cần
loại bỏ. Tầm thường hóa, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; cố tình xuyên tạc Hồ
Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp là
nguyên nhân gây ra cảnh “huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt” trước đây, làm đất
nước nghèo nàn, lạc hậu…
Vị trí, vai trò
lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong điều kiện khủng hoảng về đường
lối cứu nước, đã xuất hiện nhiều khuynh hướng đấu tranh, nhiều lực lượng cách mạng,
tuy nhiên đều không thể giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Chỉ
khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra chân lý con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác
– Lênin, sự ra đời, lãnh đạo, đoàn kết, tập hợp lực lượng của Đảng đã dẫn dắt
dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đem lại vị thế, cơ đồ đất nước
như ngày hôm nay. Thực tiễn khách quan là minh chứng khẳng định rõ, không thể
nói chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm ý thức hệ, sai lầm lịch sử như các luận điệu
chống phá.
Hai là, các
đối tượng cố gắng lập luận, quy kết thể chế chính trị ở Việt Nam tạo lập vị trí
của Đảng đứng trên Hiến pháp, cho rằng Đảng đã và đang tham nhũng quyền lãnh đạo,
cai trị đất nước, chuyên quyền, độc đoán.
Chúng ta đều biết,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao giông tố,
thác ghềnh, đưa dân tộc Việt Nam tới những thắng lợi hiển hách, thống nhất non
sông đất nước, mang lại độc lập cho dân tộc. Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt
Nam quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ
nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những
quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Với cơ sở như vậy thì luận
điệu rêu rao “trong thể chế chính trị ở Việt Nam, Đảng đứng trên Hiến pháp,
tham nhũng quyền lãnh đạo, và bám giữ quyền cai trị đất nước; một thể chế độc đảng
là chuyên quyền, độc đoán” là hoàn toàn sai trái. Rõ ràng, luận điệu này nhằm mục
đích phá hoại, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ba là, dưới
chiêu bài góp ý về đổi mới thể chế chính trị Việt Nam, các đối tượng đưa ra những
luận điệu chống phá núp dưới dạng kiến nghị, đòi hỏi phải “đổi mới chính trị” bằng
cách phải thực hiện thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Trước hết, cần
thấy rằng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nằm trong âm mưu thực hiện
“diễn biến hòa bình” mà mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng,
thay đổi thể chế chính trị, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản
chủ nghĩa. Từ đó, chúng đòi hỏi phải thực hiện xóa bỏ ngay Điều 4 của Hiến
pháp. Thực chất luận điệu này là tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công
khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập, từ đó cạnh tranh vai trò
lãnh đạo, tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng rêu
rao nước ta vẫn còn tình trạng khủng hoảng, đói nghèo là hậu quả của chính sách
cai trị độc tài dựa trên nền tảng tư tưởng chính trị là chủ nghĩa Mác-Lênin mà
Đảng Cộng sản áp đặt trên đất nước Việt Nam. Chúng tập trung xuyên tạc vào các
nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ,
vu cáo rằng đó là chiếm quyền để cai trị nhân dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền,
“độc đoán, đảng trị”… Luận điệu này xuyên tạc bản chất chính trị, hạ thấp vai
trò, uy tín của Đảng, đẩy quần chúng, nhân dân xa rời, đối lập với Đảng, thúc đẩy
thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Lịch sử diễn ra
tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã chỉ ra bài học xương máu, chứng minh rõ
âm mưu, ý đồ thâm độc này. Sau khi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô bị xóa bỏ, ngay lập
tức, các đảng phái xuất hiện “như nấm sau mưa”, ngoài Đảng Cộng sản Liên Xô còn
có tới 153 tổ chức đảng phái khác ra đời và cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng
Cộng sản. Đến đầu năm 1991, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ còn trên
danh nghĩa và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào cuối năm 1991 là tất yếu, khi
Đảng Cộng sản đã mất quyền lãnh đạo. Không đi theo “vết xe đổ của Liên Xô”, bảo
vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chấp nhận đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, đối trọng
với Đảng và Nhà nước là yêu cầu có tính nguyên tắc.
Bốn là, các
đối tượng lợi dụng những vấn đề mang tính tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội
như thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, tình trạng tham nhũng… để hướng
lái, xuyên tạc bản chất của chế độ, quy tiêu cực do hệ quả sự lãnh đạo của Đảng.
Trong quá trình
đổi mới, các lĩnh vực của đời sống xã hội vừa được xây dựng, tổng kết, rút kinh
nghiệm và từng bước hoàn thiện về mặt lý luận và thực tiễn. Những vấn đề như
kinh tế thị trường định hướng XHCN còn những hạn chế, hoàn thiện còn chậm; hệ
thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; nhiều cơ chế,
chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới. Cơ cấu lại nền kinh
tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đạt
mục tiêu. Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động chưa cao;
công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí mặc dù đạt được những kết quả tích cực
song còn nhiều tồn tại, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn những
bất cập… Dựa vào những hạn chế, tồn tại nói trên, các thế lực thù địch lợi dụng
để suy diễn, xuyên tạc, thổi phồng dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng lập luận,
quy chụp bằng những luận điệu chính trị hóa, cho rằng đó là bản chất của chế độ
XHCN và là hậu quả của Đảng. Những luận điệu này làm cho những người không có
tư tưởng chính trị vững vàng dễ bị lầm tưởng, hồ nghi, thậm chí xét lại, dẫn đến
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị.
Tổng kết 35 năm
đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đánh giá:“Đất nước ta đã đạt được những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc
XHCN”. Có được những thành tựu trên đây là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng
đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tin
tưởng, kiên định, đấu tranh, hy sinh, thực hiện con đường độc lập dân tộc gắn
liền với CNXH, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình”
mà Đảng lựa chọn.
Lê Thế Cương
0 nhận xét: