Ngày 24/3, Công
an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực
hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971,
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến
Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội
chính trị đã lợi dụng để xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc, kích động chống
phá Đảng, Nhà nước.
Một số tổ chức,
hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải
ngoại vốn thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… đã đưa ra nhiều bài
viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, sai trái. Điển hình trên mạng
facebook của Việt Tân vu cáo: “Công an sử dụng Điều 331 để khởi tố bà Hằng là
sai trái”, rồi suy diễn thành việc “doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị
như việc trứng chọi đá”. Bài viết đưa ra luận điệu hết sức lố bịch rằng: “Ở Việt
Nam này luật pháp không tồn tại”, “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”…
Việt Tân vẫn lập
lại thói quen xấu, diễn trò lố khó bỏ khi đưa ra cái gọi là “khảo sát quan điểm
độc giả về việc Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng”. Ở một
bài khác, trang này dẫn một bài viết xuyên tạc rằng “Những điều luật phục vụ thủ
đoạn của chính quyền cộng sản”, cho rằng việc khởi tố bà Hằng theo điều luật
trên là “áp đặt một cách tùy tiện”!
Còn RFA thì tìm
cách phỏng vấn một số cá nhân với cái tên nghe rất mĩ miều như “nhà dân chủ”,
“nhà phản biện”, “luật sư nhân quyền”… nhưng kỳ thực là số đối tượng phản động,
chối bỏ quê hương, phản bội Tổ quốc, sống lưu vong ở nước ngoài. Được “hỏi ý kiến”,
số này cho rằng, việc bắt bà Nguyễn Phương Hằng theo Điều 331 là “không hợp
lý”, từ đó ra sức miệt thị Nhà nước, chính quyền.
Những hành vi
trên của một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động không nằm ngoài các hoạt động
chống phá Việt Nam, các đối tượng vin vào việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố,
bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng để hạ bệ, bôi nhọ hệ thống pháp luật Việt
Nam; đả phá, phỉ báng chính quyền các cấp, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối
với cơ quan công quyền, tiến tới quy kết, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý của Nhà nước.
Nguy hại hơn,
các thế lực thù địch, phản động còn cổ xúy, xúi giục, thậm chí ca ngợi, tán
dương các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm đến
danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, gây tổn hại đến truyền thống văn
hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; làm giảm vị thế, uy tín cũng như hình ảnh
đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Cũng như các quốc
gia trên thế giới, đối với Việt Nam, một mặt, pháp luật bảo đảm cho sự phát triển
tự do của nhân dân, mặt khác pháp luật xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định,
không để các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích
cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ
cho công dân nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến
lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”. Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền
công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền
của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và
xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi
ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Theo đó, Điều
331, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về “Tội lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân” như sau:
1. Người nào lợi
dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự
do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo
không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội gây
ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến
7 năm.
Điều 331, Bộ luật
Hình sự là sự cụ thể hóa Hiến pháp, thể theo nguyện vọng, lợi ích chính đáng của
nhân dân; giúp điều chỉnh, ngăn chặn, có chế tài đối với các hành vi vi phạm, lệch
chuẩn trong các quan hệ xã hội, ngăn ngừa những hành vi lợi dụng quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và
các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân.
Trở lại vụ án
liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng, theo điều tra ban đầu, Công an TP Hồ
Chí Minh xác định, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Nguyễn
Phương Hằng đã thông qua nhiều tài khoản Youtube, Facebook, Tiktok, phát ngôn
trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến
uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, gây bất bình dư luận. Hành vi của
bà Nguyễn Phương Hằng vừa xâm phạm danh dự, uy tín của các công dân, vừa ảnh hưởng
xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận.
Trước những
hành vi trên, từ ngày 15/2 đến 24/3/2022, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh
đã mời làm việc 4 lần đối với bà Nguyễn Phương Hằng để cảnh báo, nhắc nhở, khuyến
cáo, răn đe và yêu cầu bà Hằng chấm dứt việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ,
sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng cố ý né tránh, không
chấp hành. Công an TP Hồ Chí Minh xác định, bà Hằng đã quản lý, sử dụng 12 kênh
trên mạng xã hội để trực tiếp livestream với nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều
người. Dù nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng bà Hằng vẫn cố ý né
tránh không chấp hành mà tiếp tục các hành vi trên. Bên cạnh đó, bà Nguyễn
Phương Hằng tổ chức các hoạt động tụ tập đông người tại TP Hồ Chí Minh và tại một
số tỉnh, thành khác gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc dư luận địa
phương. Trước đó, ngày 8/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã
xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi cung cấp thông tin
sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, từ năm 2021
đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí
Minh thụ lý đơn thư của nhiều cá nhân tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, gồm: nhà
báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, ca sĩ Vy Oanh, vợ
chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh… Các cá nhân trên tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng
về các hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, làm nhục nguời khác, lợi dụng quyền
tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Việc cơ quan tiến
hành tố tụng khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng về hành vi
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ hành
vi phạm pháp là tuân thủ theo quy định của pháp luật, không có chuyện chính quyền
các cấp “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ” như luận điệu của các thế lực xấu.
Hiện nay, việc
mỗi người thiết lập và sử dụng các tài khoản mạng xã hội là xu thế tất yếu.
Pháp luật luôn bảo vệ việc biểu đạt tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của bản thân
trên tinh thần xây dựng, thượng tôn pháp luật, theo đúng chuẩn mực đạo đức,
truyền thống văn hóa của dân tộc. Đảm bảo điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển các
lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng ngược lại, những tổ chức, cá nhân sử dụng mạng
xã hội với mục đích xấu, động cơ không trong sáng, lấy cớ quyền tự do dân chủ của
mình mà lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác hay xâm phạm
đến tổ chức, xâm phạm đến Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài tương ứng. Mặt
khác, mạng xã hội cũng là nơi các thế lực thù địch, phản cách mạng, phần tử cơ
hội chính trị sử dụng để thực hiện những thủ đoạn xấu nhằm chống phá Đảng, Nhà
nước, do đó, cần sự tỉnh táo để không bị lôi kéo, kích động.
0 nhận xét: