11/4/22

Đặc thù – không thể “một mình một chợ”

 


Để tạo điều kiện cho một số địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng và thế mạnh, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển cho vùng lân cận và cả nước, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương ấy.

Thực tế cho thấy, sau khi có cơ chế, chính sách đặc thù, một số địa phương đã có bước phát triển ấn tượng hơn trước đó. Điều đó chứng tỏ chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước là đúng đắn và hiệu quả. Đây là cơ sở để Nhà nước tiếp tục mở rộng việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, gần đây, khi được trao quyền quyết định một số loại phí, lệ phí trên địa bàn, có địa phương đã ban hành mức phí, lệ phí quá cao so với mặt bằng chung, khiến doanh nghiệp, người dân phản ứng. Một số bộ, ngành, địa phương liên quan cũng nêu quan điểm chưa đồng tình vì cho rằng, mức thu phí, lệ phí quá cao trong bối cảnh hiện nay là đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau thời gian dài kiệt quệ vì đại dịch Covid-19.

Cần phải nhắc lại rằng, khi trao quyền quyết định mức thu một số loại phí, lệ phí cho địa phương được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, các nghị quyết của Quốc hội quy định rõ: Khi quyết định mức thu phí, lệ phí thì phải bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của địa phương; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại địa phương…

Gần đây, khi bàn về các cơ chế, chính sách đặc thù mới cho một số địa phương khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh quan điểm: Cần có sự hài hòa giữa cơ chế, chính sách đặc thù chi ngân sách và thu ngân sách, vì có địa phương chỉ chú trọng tới việc xin cơ chế đặc thù chi ngân sách mà thiếu quan tâm tới cơ chế đặc thù thu ngân sách, gây lãng phí nguồn lực và cũng góp phần tạo ra sự bất bình đẳng giữa các địa phương cũng như giữa người dân, doanh nghiệp của địa phương này với người dân, doanh nghiệp ở địa phương khác.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần nhấn mạnh: Khi quyết định chính sách thu ngân sách trên địa bàn mang tính đặc thù thì cần công khai, minh bạch, nhất là về cơ sở để quyết định mức thu và việc quyết định mức thu như vậy sẽ quay trở lại phục vụ người dân, doanh nghiệp như thế nào… để tạo sự đồng thuận cao. Có như vậy, các chính sách đặc thù cho địa phương mới thực sự là thành công.

Trong trường hợp địa phương quyết định chính sách thu ngân sách đặc thù trên địa bàn gây phản ứng trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và chưa nhận được sự đồng thuận của một số bộ, ngành, địa phương liên quan thì nhất thiết phải rà soát lại xem việc ban hành chính sách mới đã bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc chưa; đã thực sự công khai, minh bạch khi xây dựng và quyết định chính sách chưa; đặc biệt là việc quyết định chính sách như vậy đã phù hợp với thực tiễn hay chưa.

Nếu nhận thấy chính sách được ban hành chưa thực sự phù hợp thì cần điều chỉnh lại kịp thời. Trường hợp địa phương cho rằng chính sách như vậy là phù hợp thì cần có sự đối thoại, giải thích, tuyên truyền kịp thời để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ. Có như vậy, chính sách đặc thù mới mang lại hiệu quả phát triển cho địa phương.

Việc cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù là để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển. Nhưng nếu địa phương tự quyết định chính sách theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu sự đồng thuận của xã hội, thì chính sách ấy có thể sẽ kéo tụt sự phát triển của địa phương. Câu “lợi bất cập hại” rất đúng trong trường hợp này!

CHIẾN THẮNG

 

0 nhận xét: