Chức danh “hàm” đã có cách đây
hơn 20 năm, nó ra đời với mục đích để xử lý, giải quyết chế độ chính sách cho
cán bộ.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn
Thưởng vừa ký ban hành Kết luận số 33 về việc thực hiện chế độ, chính sách đối
với cán bộ giữ chức vụ hàm. Theo đó sẽ chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ
hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị kể từ ngày 1/4/2022 (chức vụ
hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng). Kết luận của Bộ Chính trị cũng mở
ra một “cánh cửa” mới để cán bộ có thể phát triển, phấn đấu.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN,
ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng chủ trương
này là hoàn toàn đúng đắn để khắc phục tình trạng vận dụng thái quá; siết chặt
kỷ luật kỷ cương trong công tác cán bộ.
PV: Trong hệ thống
thang bảng lương của chúng ta không thấy có chức vụ “hàm”. Vậy chức vụ “hàm” là
gì và tại sao bây giờ chúng ta phải chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ “hàm”,
thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Chức
danh “hàm” đã có cách đây hơn 20 năm, nó ra đời với mục đích để xử lý, giải quyết
chế độ chính sách cho cán bộ. Ví như một vụ có nhiều vụ phó đã giữ chức vụ này
trong một thời gian dài, hơn 2 nhiệm kỳ, 8 năm hoặc nhiều hơn, hoàn thành tốt
chức trách, nhiệm vụ nhưng không lên được vụ trưởng, trong khi tuổi vẫn còn trẻ,
thì có thể xem xét “phong hàm” cấp trưởng cho những cán bộ này, thực chất để
cho họ được hưởng phụ cấp cao hơn, còn thực tế vẫn là phó, làm nhiệm vụ của cấp
phó.
Một lý do nữa dẫn tới việc
“phong hàm” là sau khi sắp xếp tổ chức, 2 vụ nhập làm một, 3 cục nhập làm một,
chỉ giữ một trưởng điều hành, các vị trí trưởng còn lại thừa ra. Để giải quyết
vấn đề trong lúc quá độ, các vị trí trưởng thừa ra vẫn được giữ hàm trưởng, để
bảo lưu chế độ chính sách cho anh em, chứ không làm nhiệm vụ điều hành.
Có một thực tế nữa là người đang
làm vụ trưởng nhưng được lấy lên làm Thư ký Thủ tướng, Thư ký Ủy viên Bộ Chính
trị… Do đã làm vụ trưởng rồi, nên chuyển sang làm Thư ký vẫn để họ giữ hàm vụ
trưởng.
Xét một cách công bằng, áp dụng
cơ chế “hàm” đối với nhiều trường hợp là hợp lý, nhưng điều bất hợp lý là trong
quá trình thực hiện, chỗ này, chỗ kia mở rộng quá, rồi lạm dụng quá cuối cùng
thành bất hợp lý, không còn chặt chẽ và phù hợp như lúc đầu. Dẫn tới, có quá
nhiều người mang “hàm”, không chỉ vụ phó mang hàm vụ trưởng, mà lại có cả trưởng
phòng mang hàm vụ phó, hưởng chế độ của vụ phó… người ta thấy đơn vị chỉ toàn
là lãnh đạo, đơn vị có 1 vụ trưởng nhưng có đến 6-7 người mang hàm vụ trưởng, rồi
4-5 vụ phó nữa, bên ngoài trông vào cũng thấy gợn gợn, không phù hợp.
Vì thế Kết luận 33 được ban
hành. Theo quan điểm của tôi, việc dừng phong hàm cũng đúng, với những trường hợp
đặc biệt có thể vẫn cho bảo lưu, như thế là hợp tình hợp lý, nhân văn.
PV: Vậy theo ông
việc chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm có ý nghĩa gì đối với công tác
cán bộ hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Hà: Theo
tôi chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn để khắc phục tình trạng vận dụng thái
quá; siết chặt kỷ luật kỷ cương trong công tác cán bộ. Trước hết là tuân thủ
pháp luật, chính sách của Nhà nước, khung bảng lương của Nhà nước không có chức
danh hàm mà lại mang chức danh này ra áp dụng là sai, không đúng quy định pháp
luật của Đảng, Nhà nước.
Như thời gian vừa qua, do cơ chế
này bị vận dụng rộng quá nên dẫn tới phản cảm. Vì cảm tình, thân quen, người ta
lợi dụng cơ chế để mà lách để nâng cán bộ lên để hưởng chế độ, để giải quyết
khâu oai, chứ thực tế năng lực chuyên môn chẳng suất sắc gì.
Các quy định của Đảng rất đúng,
rất trúng, rất chính xác nhưng vấn đề nằm ở chỗ quá trình thực hiện, chỗ này,
chỗ kia tranh thủ vận dụng khiến cho quy định trở nên méo mó, cuối cùng trở nên
phản cảm.
Còn bây giờ trong chế độ chính
sách đã hợp lý hợp tình rồi, ví như Thư ký cho Ủy viên Bộ Chính trị được hưởng
chế độ của vụ trưởng không cần tới chữ hàm vẫn được hưởng; cấp phó cũng không
phong hàm nữa, bởi vẫn thực hiện nhiệm vụ cấp phó, còn chế độ vẫn được nâng
lương thường xuyên, định kỳ.
Còn đối với cán bộ có thừa năng
lực, chuyên môn, kết luận cũng mở ra hướng mới đó là chế độ chuyên gia cao cấp,
cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu chiến lược trong các cơ quan tham mưu,
giúp việc của Đảng ở Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ,
Văn phòng Quốc hội…
Cách làm này theo tôi là rất phù
hợp, nó khuyến khích cán bộ phát triển về chuyên môn, nếu chuyên môn thực sự vững,
thực sự sâu sắc, có đủ tiêu chuẩn để phong chuyên gia cao cấp, thì hưởng chế độ
theo ngạch chuyên gia thậm chí còn cao hơn vụ trưởng.
PV: Thực hiện Kết
luận này liệu có góp phần ngăn được tình trạng chạy chức chạy quyền
không thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hà: Thực tế
lâu nay chế độ chính sách của ta luôn gắn với chức vụ, nên nó làm cho cán bộ chỉ
hướng vào con đường chức vụ, nên người ta mới phải tìm mọi cách để chạy chức chạy
quyền. Nhưng bây giờ khuyến khích anh em đi sâu vào nghiên cứu, đi sâu vào
chuyên môn, chuyên môn tốt anh vẫn có thể phát triển theo con đường chuyên gia.
Nguyện vọng phát triển, phấn đấu của mỗi con người, của mỗi cán bộ là
chính đáng, nhưng nếu cánh cửa đi theo con đường chức vụ “hẹp” thì anh vẫn có
thể đi vào cánh cửa khác. Như vậy cán bộ của ta không chỉ phấn đấu bằng con đường
chức vụ còn có thể phấn đấu bằng con đường chuyên môn. Kết luận 33 đã thể hiện
rõ nội dung này. Phát triển theo con đường chuyên gia, cũng có tiêu chuẩn, cơ
chế, chính sách riêng. Theo tôi, phát triển được ở con đường chuyên gia mới là
vĩnh viễn, đẳng cấp, chức vụ qua đi rồi cũng hết. Như vậy có Kết luận 33 sẽ chặt
chẽ hơn trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo.
PV: Cá nhân ông
nghĩ sao về 2 chức danh Vụ trưởng và Chuyên gia?
Ông Nguyễn Đức Hà: Hai chức
danh này là khác nhau. Nếu tôi không có năng lực quản lý, mà đưa tôi vào ghế quản
lý, có khi lại đi tù sớm. Còn tôi có chuyên môn thì cứ con đường chuyên môn tôi
phát triển. Thực tế vừa rồi, bao nhiêu cán bộ phải ra tòa, đâu phải cứ làm vụ
trưởng này, cục trưởng kia là sướng. Công việc phù hợp với trình độ, năng lực,
sở thích của mình là quý nhất, sẽ giúp phát huy hiệu quả cao nhất. Cán bộ có
người chuyên môn giỏi, quản lý cũng giỏi thì bổ nhiệm người như thế là quá tốt.
Nhưng cán bộ có chuyên môn sâu, nhưng quản lý không có kinh nghiệm, mà đưa lên
làm quản lý có khi là làm hại họ.
Tuy nhiên không phải cán bộ có
chuyên môn giỏi được giao làm quản lý là hỏng cả, nhiều người biết tu dưỡng bản
thân, có thể vượt qua được cám dỗ, không bị lôi kéo, tha hóa.
0 nhận xét: