Tập trận
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Tuần trước, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 4 đến 15/3 trong khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cũng cảnh báo tàu thuyền tránh xa khu vực này. Đối chiếu tọa độ mà phía Trung Quốc công bố, khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Một phần của khu vực mà Trung Quốc thao dượt quân sự nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Đây là diễn
biến mới nhất trong chuỗi những hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam mà Trung Quốc tiến hành, dựa trên tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển
Đông. Lâu nay, Trung Quốc đơn phương vạch ra “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi
bò’ – một yêu sách chủ quyền phi lý chiếm tới 80% diện tích Biển Đông dựa trên
lập luận “quyền lịch sử”, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước ven
Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Theo Công ước
Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các quốc gia ven biển xác định
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình với chiều rộng không quá 200 hải lý tính
từ đường cơ sở và thềm lục địa với chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường
cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý.
Các vùng biển ngoài phạm vi tài phán của các quốc gia ven biển gọi là biển quốc
tế hay biển cả, đáy biển và tài nguyên khoáng sản ở vùng biển quốc tế là di sản
chung của nhân loại.
UNCLOS cũng
xác định các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên
nhiên của vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; thực hiện một số hoạt
động kinh tế và quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo
vệ môi trường. Mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên
nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được
phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi
phạm các quy định của UNCLOS.
Đều là thành
viên UNCLOS nhưng Trung Quốc lại không tuân theo quy định trên mà tự xác định
vùng biển của mình ở Biển Đông một cách phi pháp, dựa trên khái niệm mơ hồ “quyền
lịch sử”. Liên quan đến vấn đề này, tháng 6/2016, Tòa trọng tài trong vụ
Philippines kiện Trung Quốc đã ra phán quyết cho rằng không có bất kỳ bằng chứng
nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát
vùng nước trong “đường chín đoạn” cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết
luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” với “đường
chín đoạn”.
Như vậy, có
thể thấy việc Trung Quốc tiến hành tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, dù dưới bất cứ lý do nào, là phi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền
tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, của Việt
Nam. Nó không tuân thủ Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn
đề trên biển mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết năm 2011, vi phạm cam kết của
Bắc Kinh với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc
và các nước ASEAN năm 2002. Điều 5 của DOC đã nêu rõ “Các bên chịu trách nhiệm
thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc
leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định…”.
Liên quan đến
hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc đang diễn ra ở Biển Đông, Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: “Một phần khu vực thông báo hàng hải
thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo
UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc
quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình
hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông”.
Hành động
khuếch trương sức mạnh, làm căng thẳng tình hình
Thời gian gần
đây, Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận ở Biển Đông. Số liệu thống kê của
MSA cho thấy trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận,
nhiều hơn so với con số 20 trong năm 2020. Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay,
Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 7 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 1 cuộc
tập trận ở vịnh Bắc bộ.
Trên cơ sở mổ
xẻ từ nhiều góc độ, các chuyên gia quân sự cho rằng mục đích của các cuộc tập
trận mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông xuất phát từ âm mưu độc chiếm vùng biển
này trên cơ sở “đường chín đoạn”. Đó là hành động khuếch trương sức mạnh, răn
đe với các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Đó cũng
là hành động vừa cảnh báo, vừa có tính chất thăm dò xem phản ứng của Mỹ và các
nước trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo ông
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cuộc diễn
tập ở khu vực quần đảo Trường Sa mà Hải quân Trung Quốc thường tiến hành mang hàm
ý nhằm phô trương sức mạnh để khẳng định những tuyên bố chủ quyền đơn phương.
Còn nhà báo Javad Heydarian của Philippines thì nhận định: “Các cuộc diễn tập hải
quân ngày càng hung hăng của Trung Quốc được nhiều người coi như một nỗ lực
khai thác thế suy yếu của Mỹ để bảo đảm lợi thế mới trong các điểm nóng”.
Chuyên gia hải
quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson (trụ sở ở Washington, Mỹ) thì cảnh báo một
mối nguy hiểm khác là “các cuộc tập trận của Trung Quốc không đơn thuần mô phỏng
một cuộc tấn công vào các lực lượng quân sự khác, mà là sử dụng quân đội tương
tự như hành động của cảnh sát để trấn áp tình trạng bất ổn dân sự tiềm tàng”.
Lâu nay, thế
giới đã biết tới chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, khi nước này lợi dụng lực
lượng tàu cá, dân quân biển để cưỡng bức và ngăn chặn việc khoan dầu hay quấy rối
ngư dân…các nước trong khu vực. Chiến thuật này không sử dụng lực lượng quân sự
nhưng vẫn dựa trên cơ sở áp đặt bằng sức mạnh.
Để phục vụ
cho việc mở rộng hoạt động ở Biển Đông, hải quân của Trung Quốc được tăng cường
đầu tư với tốc độ chóng mặt. Theo Văn phòng tình báo hải quân Mỹ (ONI), nếu như
năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế thì tới cuối
năm 2020, con số này đã là 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ 63 chiếc. Dự kiến đến năm
2025, hải quân Trung Quốc có thể biên chế tới 400 chiến hạm, trong khi hải quân
Mỹ chỉ đặt mục tiêu duy trì hạm đội 355 chiếc.
Không chỉ gia
tăng về số lượng, theo ông Andrew Erickson, chuyên gia tại Viện nghiên cứu hàng
hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc không còn phải nhận
hàng thải từ ngành công nghiệp đóng tàu, thay vào đó là những chiến hạm ngày
càng tinh vi và có năng lực, trọng tải lớn và mang nhiều vũ khí hơn. Tàu hải
quân Trung Quốc lại được bảo vệ bằng lực lượng tên lửa quy mô lớn tại đại lục,
giúp tăng sức mạnh trong mọi cuộc xung đột gần nước này.
Việc Trung Quốc
tăng cường các hoạt động tập trận trên Biển Đông nhằm khuếch trương sức mạnh, từng
bước hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển này đã khiến tình hình khu vực
thêm căng thẳng, tạo nguy cơ xung đột, đi ngược lại những nỗ lực nhằm duy trì
hòa bình và ổn định của khu vực.
0 nhận xét: