Có lẽ câu
chuyện về tiền bạc được bàn nhiều, không ngừng nghỉ và nó lại tiếp tục nóng khi
ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC và Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng
Minh bị khởi tố, bắt giam theo đó là em và con mình là đồng phạm. Dư luận đặc
biệt quan tâm đặt câu hỏi có nên kiếm tiền theo cách đưa người thân vào vòng
lao lý như ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng hay không? Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ
Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, các Quyết định khởi tố bị can,
Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty
CP Tập đoàn FLC để điều tra hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, hành vi
trên của ông Trịnh Văn Quyết được cơ quan điều tra nhận định đã “gây thiệt hại
nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán
Việt Nam”.
Ngày 04/4 đến
lượt bà Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Công ty CP tập đoàn FLC bị bắt với
vai trò là đồng phạm, giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi “thao túng
thị trường chứng khoán”. Bà Trịnh Thị Minh Huế vừa là thuộc cấp vừa là em gái của
ông Trịnh Văn Quyết.
Sau một ngày,
chiều 5/4, CQCSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố, Lệnh bắt bị can tạm giam bà Trịnh
Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, vai trò đồng phạm giúp
sức cho Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội “thao túng thị
trường chứng khoán”. Bà Trịnh Thị Thúy Nga cũng là thuộc cấp và là em gái của
ông Trịnh Văn Quyết.
Trong một trường
hợp khác là tối ngày 05/4, CQCSĐT Bộ Công an khởi tố, Lệnh bắt bị can để tạm
giam với ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 đồng phạm để
điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174, Bộ luật Hình sự,
trong số đó có Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ
Khách sạn Tân Hoàng Minh. Đỗ Hoàng Việt sinh năm 1994, là con trai thứ hai của
ông Đỗ Anh Dũng.
Theo kết quả
điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh
Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng
03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công
ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các
công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị
giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các
hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Chủ tịch Tân
Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng được biết đến là một “đại gia” trong giới bất động sản.
Tập đoàn do ông đứng đầu thực hiện nhiều dự án sang trọng nằm ở các vị trí “đắc
địa”. Tuy nhiên, đi liền với tên tuổi đó là những lùm xùm liên quan đến các dự
án.
Cuối năm
2021, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng
Minh gây xôn xao dư luận, khi mua trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá
24.500 tỷ đồng/m2, “đắt nhất hành tinh”. Tuy nhiên sau đó Tân Hoàng Minh đã “bỏ
chạy” khỏi lô đất “vàng” ở Thủ Thiêm và ông Đỗ Anh Dũng có tâm thư xin chấm dứt
hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ
Thiêm.
Lý do mà ông
Đỗ Anh Dũng đưa ra để giải thích cho việc bỏ cọc đấu giá lô đất trên là để “bảo
đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của
xã hội lên trên…”.
Việc ông Trịnh
Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam theo lệnh của cơ quan điều
tra cho chúng ta thấy đây là nỗi đau, mất mát quá lớn về uy tín, danh dự trong
một gia đình khi mà cả ba anh em, cha con vướng vào vòng lao lý với vai trò đồng
phạm, giúp sức chỉ vì kiếm tiền, làm giàu!
Ước muốn làm
giàu là chính đáng, không của riêng ai và hai ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh
Dũng cũng là như vậy và họ đã dành toàn bộ công sức, tâm huyết để gây dựng cơ
nghiệp rồi trở thành những người giàu, có nổi tiếng trên thương trường. Chỉ cần
nghe thấy tên tuổi của họ qua các dự án “khủng”, “đắc địa” ở khắp nơi nhiều người
đã trầm trồ “ngưỡng mộ, kính nể” về độ giàu có. Với ông Trịnh Văn Quyết, khởi
nghiệp từ năm 14 tuổi đi lên bắt đầu từ một văn phòng tư vấn luật, đến năm 2017
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng lọt top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt
Nam. Tháng 3/2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 2 tỉ USD trên sàn chứng
khoán Việt Nam có thể nói là giàu nhất, nhì sàn chứng khoán Việt Nam.
Còn Chủ tịch
Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng, cũng tâm sự qua “tâm thư” gửi lãnh đạo Đảng,
Nhà nước rằng, được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng,
từng bươn trải từ Bắc đến Nam, từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh với nhiều
nghề khác nhau, từ kinh doanh dịch vụ xe taxi đến bất động sản, trái phiếu, chứng
khoán… để “đóng góp công sức và trí tuệ dù là nhỏ nhất cho sự nghiệp
xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước với tôn chỉ thượng tôn pháp luật”.
Có thể nói ông Đỗ Anh Dũng là người rất giàu có với nhiều công ty và nắm trong
tay nhiều bất động sản hạng sang, được coi là “ông trùm” bất động sản với
thương vụ “đình đám” tạo “địa chấn” khi trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất tại Thủ
Thiêm.
Có thể thấy họ
cũng từ gian khó mà đi lên, tuy nhiên trong cơ chế kinh tế thị trường vô cùng
khắc nghiệt, thương trường là “chiến trường” không cho phép những ai làm giàu bằng
hành vi gian dối chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể, lợi ích quốc
gia. Kinh tế thị trường mà thuộc tính vốn có của nó là lợi nhuận và lợi nhuận,
nhưng ở Việt Nam nền kinh tế chúng ta xây dựng là nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa lấy lợi ích tập thể, quốc gia dân tộc lên hàng đầu.
Qua vụ việc của
ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng cho chúng ta bài học lớn về quản lý Nhà nước
đối với nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là thị trường chứng khoán. Ngẫm về
góc độ kiếm tiền về lợi nhuận có rất nhiều điều đáng bàn nhưng kiếm tiền mà đưa
cả những người thân yêu nhất của mình vướng vào vòng lao lý và đưa nhau ra tòa
thì có ai dám làm không?.
Trường hợp
ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung
Nguyên) là một ví dụ xót xa; trong phiên tòa xét xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp
Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên)
trong lúc hai bên không ngừng tranh cãi gay gắt về vấn đề tài sản và trách nhiệm.
Quá bực bội và thất vọng, ông chủ Trung Nguyên đã lớn tiếng thốt lên với vợ: “Tiền
để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”, thật
là chua chát, đau đớn. Trong thực tế còn nhiều những ví dụ khác đau xót nữa khi
mà thủa hàn vi khó khăn thì họ rất hạnh phúc nhưng khi có đồng tiền dư giả thì
hạnh phúc bị đe dọa và thậm chí tan vỡ…
Sống trên đời,
ai mà không hy vọng bản thân có thể kiếm được nhiều tiền và trở nên giàu có,
nhưng giữa tiền bạc và tự do, tiền nhiều mà làm gì khi bản thân bị bắt, người
thân cũng vướng vòng lao lý?. Thế nhưng, khi đã đạt được điều ấy, chúng ta
không nên đắm chìm vào giá trị vật chất mà chúng đem lại, vì sự thỏa mãn từ việc
tiêu tiền chỉ như một món thức ăn nhanh, đến nhanh đi càng nhanh chứ không tồn
tại lâu dài. Thay vào đó, chúng ta vẫn tiếp tục tạo ra giá trị có ích cho xã hội,
cho người thân, cho bạn bè xung quanh theo cách riêng của mình. Khi các giá trị
được thỏa mãn, tự dưng ta sẽ nhận ra tiền bạc cũng không quá quan trọng đến mức
“bất chấp” để kiếm tiền như vậy.
Ngẫm lại câu
nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng thấm thía về chuyện kiếm tiền: “Đời
người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa
ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết
có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.
0 nhận xét: