Phát biểu tại
phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày
27/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, từ thực tế của công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực
tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm
tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban Kiểm tra (UBKT) có quyền vào kiểm
tra.
Đây là kinh
nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính,
tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng
minh là đúng, có kết quả tốt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các vụ án
đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, và cái lớn
nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và
cả hệ thống chính trị.
Công tác kiểm
tra Đảng phải “đi trước một bước” chính là sự thể hiện vai trò, tính chủ động
trong kiểm tra, khi có dấu hiệu vi phạm cần làm rõ thì phải triển khai kiểm tra
kịp thời, không để chậm trễ. Thực tiễn lịch sử ra đời và phát triển của ngành
kiểm tra Đảng, ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, công tác kiểm tra luôn được bổ
sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Là một chính đảng tiền
phong cách mạng, ngay từ khi mới thành lập cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ cương, kỷ
luật của Đảng. Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng,
muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra. Trong Điều lệ Đảng tháng 10/1930 đã ghi rõ:
“Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách
rất nghiêm khắc”.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “Có kiểm tra mới huy động tinh thần tích cực và lực lượng to tát của
nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp
đỡ kịp thời”. Theo Người, mục đích của công tác kiểm tra chính là phát hiện những
hạn chế, bất cập, thiếu sót trên mọi phương diện trong quá trình tổ chức thực
hiện để hoàn thành tốt nhất công việc đề ra. Thông qua kiểm soát, những hạn chế,
khuyết điểm được phát hiện và khắc phục kịp thời; nhờ có kiểm tra mà biết rõ
cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ
quan, của các mệnh lệnh và nghị quyết.
Tại Hội nghị tổng
kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày 29/7/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
“Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ
đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần
vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, công
tác kiểm tra đều được quan tâm và điều chỉnh phù hợp về chức năng, nhiệm vụ để
thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các
hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động thi hành
nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cán bộ, đảng viên.
Trong các nhiệm
kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh với nhiều giải pháp,
nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và mới đây là Kết luận tại
Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã
xác định kiểm tra, giám sát, kỷ luật là một trong 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám
sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Xử lý nghiêm tập
thể, cá nhân ban hành văn bản không đúng, không phù hợp hoặc thực hiện không
nghiêm túc các nội dung nghị quyết, kết luận của Đảng; khen thưởng kịp thời tập
thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Rà soát, hoàn thiện các quy
định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa
kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Tăng thẩm quyền
và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới
quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả
trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xem xét tư cách đảng
viên và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao
che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. Siết chặt kỷ
luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng;
cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm
công khai, minh bạch, công bằng…
Để tổ chức triển
khai thực hiện các giải pháp trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), công tác kiểm tra đã có nhiều
đổi mới, được triển khai toàn diện, nghiêm túc, đóng góp quan trọng vào công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có tác dụng và hiệu quả thiết thực trong công tác
phòng, chống tham nhũng được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình
ủng hộ. Những kết quả đạt được của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian
qua đã thực sự góp phần đưa kỷ cương, kỷ luật của Đảng được tăng cường thêm một
bước, nhiều cơ chế mới phòng ngừa vi phạm được bổ sung, nhận thức về trách nhiệm
của cán bộ, đảng viên được nâng lên…
Tuy nhiên, thực
tiễn cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn bộc lộ những hạn
chế, nhất là ở UBKT các địa phương, bộ, ngành. Điều này đã được chỉ rõ tại Hội
nghị giao ban công tác kiểm tra ngày 25/4/2022. Theo đó, một số cấp ủy, UBKT
chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra,
giám sát; chậm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề
ra. Có nơi lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát chưa phù hợp với đặc điểm tình
hình và yêu cầu công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị. Một số UBKT tỉnh
ủy chưa thực hiện kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; cá
biệt có nơi chưa thực hiện cả 3 nhiệm vụ cơ bản là kiểm tra khi có dấu hiệu vi
phạm, giám sát chuyên đề và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám
sát, thi hành kỷ luật Đảng…
Để nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác kiểm tra, để kiểm tra thực sự “đi trước một bước”, chúng
tôi cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cần
tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rõ
tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; nắm vững quy chế, quy trình, chức
năng, nội dung, nhiệm vụ của các tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, để người
dân hiểu rõ và ủng hộ công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra không phải là “vạch
lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”, không phải kiểm tra nhiều thì làm giảm thành
tích của đơn vị, địa phương mình mà cốt “trị bệnh cứu người”, lấy xây dựng và cải
tạo để chủ động phòng ngừa, uốn nắn, giáo dục.
Thứ hai, công
tác kiểm tra phải là bài bản, thường xuyên. Phải làm có kế hoạch, chương trình
kiểm tra đảm bảo hiệu quả và phải tiến hành thường xuyên, coi công tác kiểm tra
là một bộ phận cấu thành tất yếu trong quá trình lãnh đạo, quyết định sự thành
bại trong công việc. Từ đó, hình thành ý thức tự trau dồi, rèn luyện, tự kiểm
tra của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, không
ngừng củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng ở các cấp. Kiểm
tra là công việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến quyền, lợi ích, sinh mệnh
chính trị của đối tượng kiểm tra. Do đó, đòi hỏi tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm
vụ kiểm tra không những giỏi chuyên môn mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững
vàng, quyết tâm cao, phải có phẩm chất, đạo đức để vượt qua các cám dỗ thường
trực, đảm bảo việc kiểm tra được công tâm, khách quan. Đây là vấn đề rất quan
trọng. Khi người dân bức xúc tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái, tham ô,
tham nhũng ở nhiều lĩnh vực, địa bàn thì người dân trông chờ vào sự nghiêm
minh, công tâm của UBKT, vào chính cán bộ kiểm tra. Nếu cán bộ kiểm tra bị mua
chuộc, bị lợi ích hay bị các động cơ cá nhân làm “biến dạng” nội dung, kết quả
kiểm tra, điều đó tạo hệ lụy nguy hiểm, khiến cái sai của cán bộ, đảng viên bị che
đậy, bao bọc bởi những cái sai khác, như cái nhọt không bị nhổ bỏ mà còn phình
to lên.
Thứ tư, kiểm
tra phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đảm bảo sự thận trọng, khách quan,
không “làm khó” đối tượng kiểm tra. Kiểm tra là để chỉ ra sai sót, nguyên nhân
và tính chất mức độ để xử lý và uốn nắn. Song các kết luận kiểm tra liên quan
sinh mệnh chính trị mỗi người, trong khi đó tình trạng nội bộ ở nhiều nơi có diễn
biến phức tạp, có các hiện tượng đấu đá, gây nhiễu, tố cáo trắng đen lẫn lộn.
Do đó, việc kiểm tra phải thận trọng, đánh giá tỉ mỉ tài liệu, tránh kết luận
sai lệch, đồng thời tránh bỏ sót, lọt, tránh sự nể nang, xuề xoà… Xử lý đúng
người, đúng tính chất sai phạm, đảm bảo nghiêm minh sẽ có tác dụng phòng ngừa,
cảnh tỉnh lớn. Mục đích cuối cùng của kiểm tra là nhằm đánh giá những kết quả,
hạn chế, phân tích nguyên nhân, đưa ra kiến nghị để các đối tượng kiểm tra tìm
biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động, ngăn ngừa sai phạm.
Điểm nữa, trong
quá trình kiểm tra, cần coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Xác định
rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ
cơ sở, các hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị. Tăng cường mối quan hệ gắn bó
mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh, dựa vào “tai mắt” của nhân dân trong
công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
0 nhận xét: