Vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5, người
dân ở nhiều nước trên thế giới kỷ niệm các thành tựu của giai cấp công nhân và
diễu hành trên đường phố đòi trả lương công bằng và điều kiện làm việc tốt hơn.
Ý nghĩa Ngày 1/5 vẫn nóng hổi
Đây là dịp tôn vinh những người
lao động. Nhờ các nỗ lực đấu tranh của công nhân trong nhiều năm, hàng triệu
người đã giành được các quyền và sự bảo vệ cơ bản. Mức lương tối thiểu đã được
thiết lập, giới hạn được đặt ra đối với giờ làm trong ngày, và người lao động
có quyền được hưởng lương vào các ngày nghỉ lễ và khi ốm đau.
Tuy nhiên, trong những năm gần
đây, điều kiện lao
động ở nhiều nơi đã xấu đi. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn
cầu năm 2008, ngày càng phổ biến các công việc bán thời gian, ngắn hạn và trả
lương thấp. Lương hưu trí cũng gặp rủi ro. Chúng ta cũng chứng kiến sự trỗi dậy
của “nền kinh tế gig” mà trong đó các công ty thuê tạm công nhân để làm một
công việc ngắn vào một thời điểm nào đó. Những lao động này thường không được
hưởng các quyền lợi như ngày nghỉ có trả lương, mức lương tối thiểu hoặc tiền
trả cho trường hợp bị thất nghiệp do dôi dư.
Ngày nay tinh thần đoàn kết trong
giới cần lao vẫn mang tầm quan trọng như xưa kia.
Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động
Vào tháng 5/1886, 400.000 công
nhân ở nhiều vùng của nước Mỹ đình công, yêu cầu ngày làm việc 8 giờ. Cuộc đình
công ban đầu diễn ra hòa bình, đến ngày thứ 3 thì biểu tình ở Chicago có yếu tố
bạo lực.
Ngày 3/5, cảnh sát can thiệp để
hăm dọa những người biểu tình và bảo vệ những người phá biểu tình. Cảnh sát đã
bắn vào các công nhân không vũ trang, khiến một số người trong số họ thương
vong. Để phản đối sự bạo tàn của cảnh sát, các thủ lĩnh lao động đã kêu gọi tụ
tập lớn tại quảng trường Haymarket vào ngày hôm sau.
Ngày 4/5, xuất hiện thêm các cuộc
biểu tình. Tuy nhiên chính Thị trưởng Chicago – Carter Harrison, đã gọi cuộc tụ
tập ở Haymarket là hòa bình. Sau khi ông Harrison rời đi thì một toán cảnh sát
đến và yêu cầu đám đông giải tán. Lúc này, một quả bom đã được quăng ra và cảnh
sát đáp trả bằng việc bắn loạn xạ. 7 cảnh sát và 4 công nhân đã thiệt mạng do
quả bom phát nổ hoặc do đạn của cảnh sát bắn. Ước tính có 4-8 người là dân thường
thiệt mạng và 30-40 người bị thương.
Người ta đã không bao giờ xác định
được ai đã ném bom nhưng 8 công nhân vẫn bị bắt. 7 trong số 8 công nhân này bị
kết án tử hình và người còn lại nhận mức án 15 năm tù. Bốn bị cáo đã bị treo cổ
vào ngày 11/11/1887.
Sự kiện này, còn được gọi là vụ Thảm
sát Haymarket, đóng vai trò rất quan trọng trong việc đoàn kết tầng lớp thợ
thuyền trên khắp nước Mỹ. Nhiều người không tin các bị cáo nói trên có tội. Việc
xét xử họ đã bị chỉ trích là không công bằng.
Vụ Haymarket đồng thời trở thành một
biểu tượng quốc tế của cuộc đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Tổ
chức “Quốc tế Hai” vào năm 1889 đã lấy ngày 1/5 làm Ngày Quốc tế Lao động.
Vào ngày này, các đảng XHCN và
công đoàn kêu gọi công nhân biểu tình đòi ngày làm 8 giờ và ủng hộ biểu tình
hòa bình. Ngày làm việc 8 giờ đã trở thành luật cho công nhân khu vực công ở Mỹ
vào năm 1892. Kể từ đó, phong trào công nhân trên toàn thế giới tiếp tục tranh
đấu cho quyền lợi này và đã giành được thắng lợi.
Cách thức kỷ niệm
Sự kiện Haymarket là nguồn cảm hứng
cho các thế hệ lãnh đạo công đoàn, các nhà hoạt động cánh tả, và các nghệ sĩ. Sự
kiện này đã được tưởng niệm thông qua các tượng đài, bích họa, và áp phích trên
khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ Latin. Năm 1893, Đài tưởng niệm
Liệt sĩ Haymarket đã được dựng lên tại một nghĩa trang ở ngoại ô Chicago (Mỹ).
Việc tổ chức kỷ niệm 1/5 diễn ra
theo các cách thức khác nhau ở nhiều nước trên thế giới. Ngày 1/5 là ngày lễ ở
những nước như Nam Phi, Tunisia, Tanzania, Zimbabwe, Trung Quốc, Việt
Nam… Tại nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Hy Lạp, Nhật Bản, Pakistan, Anh,
và Mỹ, thường xảy ra biểu tình vào Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày Quốc tế Lao động là ngày để
nhân dân lao động được nghỉ ngơi sau những tháng ngày làm việc vất vả. Đó cũng
là dịp để đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, thể hiện tình đoàn kết với
giai cấp công nhân toàn thế giới cũng như tôn vinh các thành tựu của họ./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch, tổng hợp
Nguồn: British Council, Britannica
0 nhận xét: