Kiểm tra, giám
sát (KTGS) vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm
xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức,
đạo đức và cán bộ.
Trong tình
hình mới, phần việc này cần được đặc biệt coi trọng, thực hiện triệt để, thực
chất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng ngang tầm
yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ
vang.
Bài
1: Không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo
Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, các nhiệm vụ chính trị cụ thể nói riêng đạt được đến đâu, hiệu lực, hiệu quả ra sao, đều chịu sự ảnh hưởng, tác động sâu sắc của công tác KTGS. Từ các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và cả trong hệ thống các văn kiện của Đảng đều thể hiện rất rõ tinh thần nhất quán: Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo.
Khi bàn về xây
dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, V.I.Lênin khẳng định kiểm tra
như là nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; vì có chủ trương
đúng, có tổ chức thực hiện nhưng thiếu kiểm tra cũng rất khó đạt kết quả tốt được.
Lênin còn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, kiểm soát và
coi đây là công cụ chắc chắn nhất để bảo vệ những mầm mống của xã hội mới. Người
yêu cầu Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công tác kiểm tra và gợi ý: Theo ý tôi, điều
chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh sang lựa
chọn người và kiểm tra việc thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất… nếu không
thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh càng đặc biệt quan tâm đến công tác KTGS, bởi theo Người “Có kiểm tra mới
huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ
được năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Hồ
Chí Minh chỉ rõ, “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì
thiếu sự kiểm tra”. Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày
29-7-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy
và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước,
làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư
tưởng, về tổ chức”.
Là chính đảng
tiền phong cách mạng, ngay từ khi mới thành lập, cũng như trong suốt quá trình
lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta đặc biệt
coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đồng thời
xác định: Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng; muốn
lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Điều lệ Đảng
tháng 10-1930 đã ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo
kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc”.
Trước yêu cầu
nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của
tổ chức đảng, công tác KTGS luôn được Đảng chú trọng. Ngày 16-10-1948, tại Chiến
khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc
thành lập Ban Kiểm tra Trung ương-cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng.
Quyết nghị có đoạn ghi: “… Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống
các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng
thời, xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung
ương bổ khuyết chính sách của Đảng”. Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên
khu ủy lần lượt được thành lập.
Từ khi ra đời đến
nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh
về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ để đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ cách mạng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng
3-1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử ủy ban kiểm tra
(UBKT). Từ đó, UBKT được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất
từ Trung ương đến đảng ủy cơ sở. Cùng với sự phát triển của công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, công tác KTGS được tiến hành thường xuyên, hiệu quả góp phần phục
vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, như: Thực hiện 3 chống (chống tham ô, lãng phí,
quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị
quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp
tài sản XHCN, tệ làm ăn phi pháp; thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư
Trung ương, khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi
Đảng; kiểm tra thực hiện “chế độ lãnh đạo có kiểm tra” theo Chỉ thị số 34-CT/TW
của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa VII
về ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng,
chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII…; thực
hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Kết luận của Hội nghị
Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cùng hàng loạt các chủ
trương, nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng khác về công tác KTGS của Đảng.
Thực tiễn cách
mạng cho thấy, bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu mà công tác KTGS bị buông lỏng hoặc
xem nhẹ, thì việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng sẽ bị lệch
lạc, chỉ đạo tổ chức thực hiện dễ dẫn đến sai lầm. Đồng thời, công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng sẽ không đạt hiệu quả cao, mọi dấu hiệu, biểu hiện vi phạm kỷ luật
không được phát hiện từ sớm để ngăn chặn kịp thời. Hệ quả tất yếu là dẫn đến
tình trạng đảng viên thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách,
đạo đức cách mạng. Những điển hình như vụ Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục
Quân nhu (năm 1950) hay Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng (năm
1964) bị tử hình vì những vi phạm pháp luật là minh chứng cho việc cán bộ, đảng
viên sai phạm trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời
để phải xử lý. Thời gian gần đây, ở một số bộ, ban, ngành, địa phương không thực
hiện tốt công tác KTGS, dẫn đến tình trạng thực hiện sai chủ trương, nghị quyết
của Đảng, Chính phủ, vi phạm pháp luật, “lợi ích nhóm”, suy thoái, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ chủ trì các cấp. Điều đó
không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức
Đảng, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.
Tăng cường công
tác KTGS để phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
là quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Đặc biệt, những năm gần đây, kết quả công
tác KTGS đã thực sự góp phần đưa kỷ cương, kỷ luật Đảng được tăng cường thêm một
bước; nhiều cơ chế mới phòng ngừa vi phạm được bổ sung, nhận thức về trách nhiệm
của cán bộ, đảng viên được nâng lên; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng
viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi kỳ họp của UBKT Trung ương đều
mang lại những kết quả cụ thể, rõ rệt trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực; được đông đảo nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Xử lý đúng người, đúng
vụ việc không phải là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ, mà là “chặt những cành
sâu để cây xanh tốt”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính điều đó
đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tổ chức cơ sở đảng, đưa công cuộc xây dựng, chỉnh
đốn Đảng trở thành hành động cách mạng quyết liệt, hiệu quả cao ở mọi cấp, mọi
ngành và toàn xã hội.
Khẳng định những
kết quả nổi bật của công tác KTGS, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh:
“Công tác KTGS, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả
quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động KTGS của cấp
ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là cấp Trung
ương. Qua công tác KTGS, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt
hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức
đảng và cán bộ, đảng viên”. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: Đổi
mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS, kỷ luật Đảng. Triển
khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác KTGS, kỷ luật đảng,
phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch,
vững mạnh.
Trong bối cảnh
tình hình mới, cùng với những tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư; ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự chống
phá quyết liệt, nguy hiểm của các thế lực thù địch; cuộc chiến chống “giặc nội
xâm” trở nên phức tạp, cấp bách… Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của Đảng, đòi hỏi công tác KTGS phải được đổi mới, tăng cường, hiệu
quả thiết thực hơn nữa. Tinh thần đó thể hiện sâu sắc trong phát biểu của Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác KTGS nhiệm
kỳ Đại hội XII của Đảng (ngày 27-11-2020): KTGS là một trong những phương thức
lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.
Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của
toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng
và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự KTGS, thi
hành kỷ luật của Đảng. KTGS là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Cụ thể hóa chủ
trương của Đảng, ngày 18-4-2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 34-KL/TW về
Chiến lược công tác KTGS của Đảng đến năm 2030. Đây là chiến lược có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của
công tác KTGS trong tình hình mới. Kết luận được ban hành tạo ra định hướng lớn,
thể hiện tầm nhìn dài hạn nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành
động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công
tác KTGS, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết,
thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu
tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Kết luận thể hiện
rõ nét những bước thay đổi và phát triển tư duy, thích ứng kịp thời của Đảng nhằm
đưa công tác KTGS đi vào nền nếp, thực hiện có chiều sâu, đạt hiệu quả, tạo sự
đồng thuận trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhấn mạnh vị
trí, vai trò đặc biệt của công tác KTGS, chúng ta cần tiếp tục nêu bật, phân
tích và làm sâu sắc hơn những kết quả, dấu ấn to lớn trong công tác KTGS của Đảng
ở những nhiệm kỳ gần đây; đồng thời không được thỏa mãn dừng lại trước những gì
đã đạt được, mà cần sớm nhận diện tồn tại, vướng mắc, khó khăn để sớm có giải
pháp tháo gỡ đồng bộ, triệt để. Tất cả những vấn đề này sẽ được đề cập ở những
bài viết tiếp theo.
0 nhận xét: