7/6/22

ĐÔI LỜI TÂM SỰ


Vài ngày qua liên tục có không ít những sóng gió, lùm xùm có liên quan đến giáo dục. Cũng một phần xuất phát từ việc đây là lĩnh vực khó, đông đảo xã hội quan tâm. Trong chúng ta nhìn lại đúng là không ai là nằm ngoài giáo dục. Nhà thì có con đi học, không con thì cháu, không cháu thì chắt, bạn bè, hàng xóm, thân hữu gần xa. Và về gián tiếp thì kết quả của giáo dục ảnh hưởng đến mọi thành viên trong xã hội. Vậy nên nói giáo dục là một bộ phận thiết yếu của cuộc sống, mọi quốc gia, dân tộc không sai. Xưa kia, Vạn thế Sư biểu Chủ Văn An đã từng nói rằng: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Câu nói ấy quả thực có giá trị vượt thời gian, xuyên thấu những chân lý và nêu đúng được vị trí, vai trò của giáo dục trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người.

Ấy vậy nhưng, mấy ngày qua, chúng ta đang chứng kiến những sự việc “khó nuốt trôi”, câu chuyện về môn lịch sử bị cân nhắc đưa vào là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận, các nhà khoa học và những người có liên quan. Ở đó, ta đã thấy được trách nhiệm của những người có tâm với vận mệnh dân tộc khi lên tiếng kiên quyết không thể để lịch sử là môn học tự chọn. Chúng ta có một phút chếnh choáng nhưng cũng đã nhận ra giá trị của môn lịch sử, nó là hồn cốt quyết định sự tồn vong của dân tộc, nói rộng ra là Tổ quốc.

Chưa dừng lại ở đó, giáo dục lại tiếp tục tăng cường “cơn bão” dư luận thứ hai đó là giá sách giáo khoa tăng và ngặt nghẽo với lý do tăng vì “khổ to, giấy đẹp”. Xin thưa, chúng tôi là những người trưởng thành từ giáo dục, có nhiều năm lăn lộn, tâm huyết đối với nghề này và chúng tôi không thể chấp nhận được cái lý do đó. Giáo dục là tri thức, kiến thức có được từ trang giấy dù không cần to, giấy chẳng cần đẹp, giá trị, chiều sâu nội dung thiết kế mới là quan trọng. Khổ to, giấy đẹp để làm gì, chưa kể các em học sinh mang sách vốn đã nặng rồi giờ sách khổ to lên thì còn nặng hơn để rồi không chỉ còng lưng con mà còng cả lưng bố mẹ vì “giá sách”. Rồi thì các vị lại vẽ thêm đoạn là quy định, yêu cầu học sinh phải giữ cái sách “khổ to, giấy đẹp” đó để làm cái gì vậy? Hoàn toàn trái với quy luật khoa học của giáo dục. Bởi lẽ, giáo dục hướng đến mục đích, truyền kĩ năng, tri thức giữa các thế hệ con người, trên con đường đó, mỗi người sẽ có những cách khác nhau để đi đến bến bờ và toả sáng.

Các vị cứ suốt ngày bắt học sinh phải giữ gìn vở sạch, chữ đẹp để rồi cái quan trọng là kiến thức thì không đâu, và dễ rơi vào chủ nghĩa hình thức. Tôi đã tự mình trải qua để thấy rằng, nhiều ông giữ sách sạch, đẹp vì chẳng chịu học nên nó mới đẹp, mới sạch, còn những người học như tôi thì lật đi lật lại trang sách đến nhầu nhĩ, đến bẩn thậm chí rách cả sách đi để thu được tri thức.

Đã đến lúc các vị nên xem xét lại chính cách tiếp cận của mình, vì cách làm sai dẫu có đúng thì chỉ là may mắn và thực sự rất đáng báo động chứ không phải đơn giản là đáng buồn hay bâng quơ hai chữ xin lỗi, sửa sai và nhận trách nhiệm là xong.

 


0 nhận xét: