Những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của
Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là vô căn cứ. Việt Nam luôn tôn trọng
quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo
được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.
Tháng 5/2022
vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra “Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới”,
trong đó có những thông tin sai lệch về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với
các góc nhìn phiến diện, dẫn chứng thiếu khách quan. Với 52 trang, bên cạnh sự
ghi nhận những mặt tích cực của Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền trong
năm qua, báo cáo cho rằng: “Việt Nam đã bắt giữ, tra tấn, tước đoạt mạng sống của
người dân một cách tùy tiện”; “can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân”;
“hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet”… Trong đó, báo
cáo nói đến tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, đồng thời đưa
ra các chỉ trích chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử người dân theo đạo và
không theo đạo.
Sự thật về
tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam là
quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Việt
Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn
tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ
Mẫu). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn
2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO
công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại:
lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ
nước ngoài, lễ hội văn hóa – thể thao và ngành nghề.
Riêng trong
lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số),
43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng
ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc,
hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật
giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi
giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ
Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo,
Minh lý đạo…).
Ở khắp mọi miền
của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà
Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…, các
sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú.
Hoạt động của
các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận
động quần chúng theo đạo – một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân
tộc – tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các ngày lễ trọng,
các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn
trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã
trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia
với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của
Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của
đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được
tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của mọi tôn
giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc như Lễ hội Đền Hùng, lễ
Noel, lễ hội La Vang.
Đặc biệt lễ
Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ
hội tôn giáo lớn của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận
quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc
kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương
La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục
Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội
thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005…
Theo Ban Tôn
giáo Chính phủ, trong 16 năm (2001-2017), số tín đồ của các tổ chức tôn giáo đã
được công nhận tăng lên 6% trong dân số. Đó là chưa kể các tôn giáo nhóm nhỏ
(chủ yếu là các nhóm Tin lành tư gia) chưa được công nhận và các hiện tượng tôn
giáo mới rất khó thống kê số lượng người theo. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều
tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người năm
2004 đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ năm 2015, tức là tăng gấp gần 2 lần
trong 10 năm. Sự phát triển có tính chất đột biến của đạo Tin lành diễn ra chủ
yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đây cũng là hai địa bàn có sự
chuyển đổi đức tin tôn giáo diễn ra mạnh mẽ nhất trong thời kỳ đổi mới.
Việc Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ đưa ra “Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới”, trong đó cho rằng,
nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam về vấn đề dân tộc, tôn giáo không tương đồng
với Công ước quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền con người. Thậm
chí, báo cáo đưa ra những cái nhìn lệch lạc như “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là
bước thụt lùi về tự do tôn giáo”, “tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt
tôn giáo”. Cho rằng Việt Nam đề ra chính sách pháp luật nhưng trên thực tế
“không thực hiện”… Có thể thấy, đây không phải là lần đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
công bố các báo cáo có nội dung sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhiều lần,
trong các báo cáo đều có nội dung nói rằng, Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự
do tôn giáo, tuy nhiên Chính phủ “vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức
của nhiều tôn giáo”, “một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu”.
Với số lượng
tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, trường đào tạo, số lượng kinh sách được xuất bản
của các tôn giáo tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, những hoạt động quan
hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng và thực tế hoạt động
sôi động của các tổ chức tôn giáo hiện nay là những minh chứng rõ nhất cho những
thành tựu của việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt
Nam. Thực tiễn này đã bác bỏ mọi nhận xét thiếu khách quan về việc thực hiện
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Đối với các luận điệu cho rằng, Việt
Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, cấm đoán các tổ chức tôn giáo hoạt động,
đây là những vu cáo vô căn cứ.
Chẳng hạn,
lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của
một số tổ chức Tin Lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các đạo lạ
mang danh nghĩa Tin Lành truyền vào Việt Nam như Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức
Chúa Trời mẹ… Hoạt động của phần lớn các tổ chức này trái với văn hóa truyền thống
của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, nhiều tổ chức vi
phạm pháp luật. Đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức này, lực
lượng chức năng Việt Nam đã nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định
pháp luật.
Cần những
đánh giá khách quan
Như vậy, ở Việt
Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Một điều dễ nhận thấy, đánh
giá sai lệch vì những lý do khác nhau vẫn ẩn sau ngọn cờ tôn giáo. Đối với Việt
Nam, các thế lực cực đoan, chống đối luôn tìm mọi thủ đoạn để tách rời tôn giáo
ra khỏi sự quản lý của nhà nước, cốt để dễ dàng lợi dụng các tôn giáo vào những
mục đích chống phá. Thực tế cho thấy, việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số quốc
gia phương Tây thường xuyên tổ chức các cuộc điều trần về tình hình tự do tôn
giáo ở Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia “không có tự do tôn
giáo” cũng chỉ nhằm mục đích tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Hơn nữa, cần
phải thấy rằng, không thể có tự do tôn giáo tuyệt đối. Bởi xét về bản chất, tôn
giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ. Mọi tổ
chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà
nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Các tôn giáo cũng phải chịu sự quản lý của
Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật và điều này hoàn toàn phù hợp với
khoản 3, Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền
tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và
khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc
đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Do
đó, việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với
các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới.
Chính vì vậy,
những luận điệu cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với
luật pháp quốc tế là vô căn cứ. Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo,
tín ngưỡng của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình
thường trong khuôn khổ pháp luật.
0 nhận xét: