13/6/22

Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng chính là nâng cao đạo đức cách mạng

             Đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa liêm chính là nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc về phẩm chất cho cán bộ, đảng viên; từ đó góp phần tăng cường bản lĩnh chính trị, làm cho quyền lực chính trị thấm đẫm tính nhân văn, không bị suy thoái, chệch hướng, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, năm 1958, Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và đã trình bày một cách toàn diện về nguồn gốc, vai trò, nội dung, giá trị của đạo đức cách mạng và nêu đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Trong Diễn văn kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng ngày 3/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Bài báo cuối cùng mà Người viết đăng trên Báo Nhân Dân đúng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, ngày 3/2/1969 cũng đề cập đến vấn đề đạo đức cách mạng: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Và trong Di chúc thiêng liêng để lại, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi người Việt Nam, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Người đã khuyên những người cộng sản hãy biết làm người-làm người tử tế thì mới biết làm cán bộ cách mạng được.

Giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa liêm chính là nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc về phẩm chất cho cán bộ, đảng viên; từ đó góp phần tăng cường bản lĩnh chính trị, làm cho quyền lực chính trị thấm đẫm tính nhân văn, không bị suy thoái, chệch hướng, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Giáo dục đạo đức cách mạng còn là sự bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, hình thành niềm tin cách mạng; tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống. Nếu đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên bị suy thoái, xuống cấp thì rất dễ dao động, mất niềm tin, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, không liêm chính.

Suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lại không ban hành nghị quyết về công tác xây dựng Đảng; về đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Mặc dù vậy, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước.

Những hạn chế, khuyết điểm đó làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương đến tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.TIN LIÊN QUAN

Có thể nhận diện một số biểu hiện cơ bản như: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy” thành tích, “chạy” khen thưởng, “chạy” danh hiệu. Khi cán bộ, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã mắc bệnh thành tích thì động cơ rõ ràng là nhằm mục đích cá nhân. Và đi liền với đó là có các hành vi tô vẽ, biện hộ, ngụy trang rất khôn khéo, phần tinh vi mà nếu như cấp trên, cấp dưới, nhân viên, nhân dân không có thông tin đầy đủ thì rất dễ bị ngộ nhận và tin theo. Thực chất, đây là bệnh nói dối, bệnh “chém gió”.

Quan liêu, xa rời quần chúng. Sinh ra tổ chức thì cần sự lãnh đạo, người đứng đầu, nhưng không ít người đứng đầu không có đức hy sinh vì cuộc sống của tập thể. Cứ leo lên vị trí lãnh đạo là tìm cách vơ vét, hưởng thụ, có lối sống khác biệt với đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động.

Quyết định, tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Năm 1946, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Tăng cường giáo dục liêm chính, không tham nhũng

Từ đó, tôi cho rằng muốn xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng thì phải kiên quyết bài trừ, chống lại chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Đồng thời, các cấp ủy đảng, đảng viên phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng về giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21, Quy định 37 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng đề ra và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phải xác định cụ thể, rõ ràng, chính xác về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên đối với công việc được giao, cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực. Từng cán bộ, đảng viên phải cam kết thực hiện và có đánh giá, tổng kết, xếp loại chính xác, thực chất hằng năm của tổ chức đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tiến hành rà soát, sàng lọc, tiếp tục đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Các cấp ủy đảng cần quan tâm đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt theo chuyên đề. Cấp uỷ cấp trên quan tâm gợi ý kiểm điểm và trực tiếp tham dự, chỉ đạo những chi uỷ, chi bộ có đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, không liêm chính, tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của Đảng; phải lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân trong phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên.      

 

0 nhận xét: