Đài tưởng niệm Khâm Thiên là nơi tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên đã bị máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm vào tối ngày 26/12/1972. Đợt ném bom rải thảm này đã khiến 577 người dân vô tội chết và bị thương, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1200 ngôi nhà khác. Trong đó 3 căn hộ liền nhau số nhà 47, 49, 51 bị bom Mỹ đánh trúng và san bằng.
Cũng trong đợt
ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, nhiều người trong đợt
giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi
nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy chết
nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. Và người con bé bỏng,
tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào mẹ như muốn
bấu víu vào cuộc sống mỏng manh.
Tuy không có mặt
tại hiện trường cuộc giải cứu nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, cảm
xúc thương xót dâng trào và họa sỹ Nguyễn Tự, lúc đó công tác tại Công ty Mỹ
thuật thuộc Sở Văn hóa Hà Nội đã nảy ra ý định làm một điều gì đó để tố cáo tội
ác này của giặc Mỹ. Ông quyết định làm bức tượng bằng đất, lấy nguyên mẫu hình ảnh
của một phụ nữ người Hà Nội đã bị chết đứng ngay chân cầu thang nhà số 47 đổ
nát. “Đó là hình ảnh có giá trị tố cáo tội ác của giặc Mỹ và thể hiện tình thần
bất khuất của người dân Việt trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”, họa sỹ Nguyễn Tự
chia sẻ.
Ngay sau trận
đánh của Mỹ vào Khâm Thiên, liên tục trong hai ngày một đêm, họa sĩ Nguyễn Tự
đã cho ra đời bức tượng điêu khắc ấy. Ông kể, bức tượng ra đời hoàn toàn không
phải do đơn đặt hàng, cũng không phải được làm vì trách nhiệm được giao phó mà
do cảm xúc. Cảnh tượng máy bay Mỹ rải bom B52 vào khu dân cư Khâm Thiên một
cách tàn ác và những cái chết oan uổng của hơn 200 người dân Khâm Thiên đã thôi
thúc ông cho ra đời bức tượng này. Trong tâm trạng xúc động, người họa sĩ đã thực
hiện công việc chắp nối, cụ thể hóa, khái quát những hình ảnh ấy để trở thành một
hình tượng nghệ thuật.
Bức tượng được
họa sỹ Nguyễn Tự khắc họa chân dung, dáng vóc của một người phụ nữ Hà Nội. Tay
chị ôm đứa con đã chết. Chị đau khổ vì mất mát, nhưng không khóc lóc, bước chân
nhấc lên cao đạp lên bom Mỹ. Đó là hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh hơn
cái chết, hơn cả sự hủy diệt của bom đạn.
Đầu năm 1973,
ngay tại vị trí ba ngôi nhà số 47, 49, 51 bị san bằng, để ghi nhận chiến công của
quân dân phố Khâm Thiên, ghi dấu tội ác của giặc Mỹ ném bom hủy diệt giết hại
dân thường, UBND thành phố Hà Nội đã cho dựng tấm bia: “Khâm Thiên khắc sâu căm
thù giặc Mỹ” bằng vật liệu gỗ và cót ép sơn màu trắng. Một thời gian sau, ý tưởng
xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói
riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52
của giặc Mỹ năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa
sĩ Nguyễn Tự được chọn. Bức tượng với sự thuyết phục và mang ý nghĩa tố cáo đã
nói lên tinh thần của dân tộc ta trong thời chiến.
Đến năm 1997,
tượng đài được đúc bằng đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng, đặt lên vị trí tượng
cũ và đổi tên là: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên”. Tượng xi măng được cất giữ
nguyên vẹn vào phòng lưu niệm ngay trên nền của 3 ngôi nhà cùng trưng bày với
các ảnh về Khâm Thiên. Đài tưởng niệm bằng đồng hiện nay vẫn đặt trước cột bia
căm thù đã thay thế chỗ đặt bức tượng xi măng. Bốn góc chung quanh có trồng 4
cây đại và 2 cây ngâu.
Cuộc sống của
người dân Khâm Thiên hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Những khu phố sầm uất, những
dãy nhà cao tầng và cuộc sống sung túc đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Trong
sự náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, ở góc phố Khâm Thiên vẫn còn đó một tượng
đài, nơi ghi lại những tội ác mà kẻ thù đã gây nên với người dân vô tội. Tượng
đài toát lên một thông điệp: Dù B52 là thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng
như thế nào cũng không thể so sánh được với tinh thần, ý chí kiên cường của người
dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Những năm qua, hàng ngày,
người dân phường Khâm Thiên vẫn chăm sóc, quét dọn cho khu tưởng niệm sạch sẽ,
vẫn thắp hương để tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống như một cử chỉ đền ơn
đáp nghĩa. Bà Phạm Thị Bưởi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường Khâm
Thiên cho biết: Ban Chấp hành hội phụ nữ phường coi việc chăm sóc Tượng đài là
trách nhiệm và tình cảm của mình. Chiều chiều, bà cùng với chị em trong phường
vẫn phân công nhau chăm sóc, giữ cho khu vực Đài tưởng niệm ấm áp tình người...
- Ad - (Ying)
Trích nguồn:
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
0 nhận xét: