25/12/22

Phòng, chống tham nhũng: Để không còn ‘trên nóng, dưới lạnh’

            Không những là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại 63 tỉnh, thành được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.” Giữa năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương trên cả nước lần lượt được thành lập, chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trên địa bàn.

Không những là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, việc lập Ban Chỉ đạo tại 63 tỉnh, thành được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh,” hạn chế tệ “quốc nạn” ở cơ sở.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương

Xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, toàn bộ 63 tỉnh ủy, thành ủy đã đồng lòng, nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Động thái này từ các địa phương trên cả nước chính là thể hiện quyết tâm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công cuộc chống “giặc nội xâm” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.”

Cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, giữa tháng 5/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố.

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên, do Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Lần lượt sau đó, 62 tỉnh, thành phố đều đã thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương và đi vào hoạt động.

Sự cộng hưởng đầy quyết tâm của các địa phương với Trung ương nhằm đẩy lùi nạn “nội xâm” trên phạm vi cả nước đã được nhân dân rất trông đợi, tin tưởng sẽ hạn chế tệ nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là “tham nhũng vặt” tại cơ sở, vốn gây ra nhiều nhức nhối và hệ lụy.

Động thái đó cũng giải tỏa những thắc mắc của dư luận rằng, cứ có việc nào Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc thì mới có tiến triển, còn rất nhiều vụ “chìm xuồng,” nhất là khi công tác này đã triển khai xuống đến cấp tỉnh và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định rất rõ ràng. Nếu phát hiện ở địa phương có những vụ việc mà Ban chỉ đạo địa phương không phát hiện được, không xử lý được thì rõ ràng là trách nhiệm chưa hoàn thành.

Nhìn nhận sự vào cuộc của các địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số tỉnh, thành phố thời gian qua chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Việc tự phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là rất ít, chủ yếu do cơ quan Trung ương phát hiện, yêu cầu xử lý. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác này ở địa phương chưa được tập trung.

“Hiện Ban Chỉ đạo cấp Trung ương đã làm quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên địa phương có thêm Ban Chỉ đạo sẽ khắc phục tình trạng trên nóng, dưới lạnh,” đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Sau gần nửa năm kể từ khi “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập, thực tế cho thấy nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.

Số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, công cuộc chống “giặc nội xâm” ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước.

Trong 10 tháng của năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh…

Các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng như: Nghệ An (29 vụ), Hà Nội (28 vụ), Bắc Ninh (19 vụ), Thành phố Hồ Chí Minh (15 vụ), Thái Nguyên (14 vụ), Sơn La (11 vụ), Tuyên Quang (14 vụ), Bắc Giang (13 vụ), Quảng Ninh (11 vụ), Nam Định (11 vụ), Thanh Hóa (11 vụ), Bình Định (11 vụ)…

Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai báo tại phiên Xét xử sơ thẩm Công ty AIC và các đơn vị có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Kết quả đáng khích lệ từ các địa phương phản ánh chân thực, khách quan cuộc chiến không khoan nhượng với “giặc nội xâm” đã có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Nhìn vào những hành động, kết quả từ Ban Chỉ đạo Trung ương có thể thấy thời gian qua, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ với 4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ với 4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ với 4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Thời gian qua, đã xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tỉnh, ủng hộ, đánh giá cao, trong đó đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160 nghìn tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với năm trước.

Quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý cán bộ vi phạm ở các địa phương

Trước những thành tựu trong công cuộc chống “giặc nội xâm” cũng như các kết quả bước đầu từ thành lập Ban Chỉ đạo tại 63 địa phương, thông tin tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây cho thấy, chống “giặc nội xâm” là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. Không chỉ diễn ra trong nước mà tệ tham nhũng vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các “nhóm lợi ích.”

Hành vi vi phạm đó không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để chống tệ tham nhũng, tiêu cực và công tác này tiếp tục bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, ngày càng quyết liệt, hiệu quả, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Tổng Bí thư, cần tập trung chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 11 vụ án, truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 3 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra tại Công ty AIC…

Đặc biệt, để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thông suốt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ thời gian tới đây, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”./.

 

0 nhận xét: