9/2/23

PHẢN CẢM!

            Nhìn bức ảnh người phụ nữ đang thể hiện “tình cảm” bên cạnh “tàng thinh” tại lễ hội Ná Nhèm thấy rất phản cảm. Không hiểu đẹp đẽ gì cái hành động lè lưỡi bên cạnh “tàng thinh” mà người phụ nữ có vẻ thích thú lắm.

Qua tìm hiểu được biết, Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ” được phục dựng khoảng 5 năm trở lại đây và điểm đặc sắc nhất của lễ hội là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Đây là một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an, sinh sôi nảy nở. Mới đây, lễ hội Ná Nhèm được Bộ VH-TT &DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015 đã khẳng định tính độc đáo, hấp dẫn của hoạt động này.

Được biết, hàng năm có hàng vạn người đến tham dự lễ hội này và không ít người vô tình hay cố ý có những hoạt động, hình ảnh không đẹp, gây xôn xao dư luận như người phụ nữ ở bức ảnh dưới đây.

Tôi thấy nhiều người bảo vệ cho rằng hành động trên là quyền tự do cá nhân nhưng hành động phản cảm này không phù hợp với chuẩn mực truyền thống văn hóa, làm xấu đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn), ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người phụ nữ truyền thống Việt Nam, mà thậm chí hành động này còn ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.

Có thể ở nước ngoài cũng có những lễ hội tương tự phản ánh tín ngưỡng phồn thực (phồn nghĩa là nhiều, thực nghĩa là nảy nở) như ở Nhật Bản hay Hy Lạp nhưng những hành động phản cảm, hành động xấu đều bị người dân lên tiếng phản đối, bài trừ.

Để duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống, hãy chấm dứt các hành động xấu, phản cảm tại các lễ hội truyền thống, hãy để lễ hội của chúng ta trở thành một nét đẹp, đặc trưng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng thức.

 

0 nhận xét: