8/5/23

Không thể xuyên tạc chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam

 

Nhân 30/4 Trương Nhân Tuấn, một kẻ vong nô có thâm niên chống Cộng cho ra đời bài viết trên mạng xã hội: “Nhà nước CSVN có chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc hay không?”. Bằng lối quy chụp của một kẻ cố tình bưng tai, bịt mắt, Trương Nhân Tuấn cho rằng: “Không một ai đưa được bằng chứng về sự hiện hữu “chủ trương” hòa giải dân tộc của đảng, hay của nhà nước CSVN” và “Không hòa giải, tức nhà nước CSVN không nhìn nhận sai lầm và sửa sai qua hình thức trả lại tài sản, hay đền bồi cho nạn nhân, thì làm sao người ta có thể “xóa bỏ định kiến”?”. Thực sự kẻ đưa ra những lập luận này muốn hòa hợp hòa giải dân tộc hay không hay chỉ muốn chiêu tuyết cho cái thây ma Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã thối rữa gần 50 năm nay và muốn lợi dụng chủ trương quan trọng này để xuyên tạc, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam? Chúng ta cần phân định rõ ràng hai khái niệm “hòa giải” và “hòa hợp” mà lâu nay nhiều người nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng nhằm đưa ra những luận điệu chống phá chủ trương hòa hợp dân tộc – là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, cũng đồng thời là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngày dựng nước. Hòa giải, theo từ điển là thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa. Thông thường, việc hòa giải được tiến hành sau khi thương lượng giữa các bên không đạt được kết quả. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp, đối kháng đã phát sinh. Còn hòa hợp là hợp lại thành một khối do có sự hài hòa với nhau. Hòa giải là công việc làm trước, hòa giải để hòa hợp.

Như vậy hòa giải là phải có hai bên, từ 30/4/1975, đã gần 50 năm trôi qua, bên thắng trận đã được khẳng định và vẫn còn nguyên đó, còn bên bại trận thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30/4/1975. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và sau đó là tuyên bố đầu hàng, giải tán chính quyền các cấp của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đã cho thấy việc hòa giải không còn cơ sở để đặt ra nữa. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ. Xét thấy chỉ cần nói với Trương Nhân Tuấn và những kẻ cờ vàng khác chuyên rêu rao về vấn đề hòa hợp dân tộc.

Trước hết, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc là bản chất của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, là một dân tộc trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh, thế nhưng bản chất hòa hiếu đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt. Một dân tộc mà khi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi).

Trong lịch sử, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại phong kiến xưa không những ban hành những chính sách để ổn định, cấu kết lòng dân, hòa hợp dân tộc mà còn thể hiện bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù. Trên 7 thế kỷ trước, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên xâm lược, bắt được hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan (ta có thể gọi đó là Việt gian phản quốc), Thượng hoàng và nhà vua đã có hành động “Vô tiền, khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. Sau khi chiến thắng quân Thanh xâm lược, không những chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và tàn binh quân Thanh, vua Quang Trung đã sai thu nhặt xác quân Thanh trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế. Bài văn tế của nhà vua trước nấm mồ quân xâm lược đã biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng.

Thứ hai, hòa hợp dân tộc sau ngày 30/4/1975. Thử nhìn đông tây kim cổ, khi cách mạng Pháp nổ ra (1789 – 1799), vua Louis XVI bị giết. Cách mạng Nga, Nga Hoàng và cả gia đình đều bị giết… và nhiều, nhiều cuộc cách mạng khác mà kết cục cuối cùng thường là đầu rơi máu chảy. Thế nhưng, Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị đã được mời làm cố vấn tối cao. Rất nhiều bậc quan to của triều đình phong kiến đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra cùng chung gánh việc nước. Đó là những Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Đặng Văn Hướng, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hòe… Tiếp nối truyền thống này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều có những chính sách nhân đạo với tù binh. Đặc biệt, tối 2/5/1975 trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc lập, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”. Đáp lời, ông Dương Văn Minh cũng chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước…tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…”.

Nghị quyết 36 – NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nghị quyết số 23 – NQ/TW ngày 16/6/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Vậy mà không hiểu tại sao Trương Nhân Tuấn lại hàm hồ cho rằng: “Sự thật ra sao? Sự thật theo tôi là nhà nước CSVN chưa bao giờ có chủ trương “hòa giải” (hay hòa giải hòa hợp dân tộc) với bất kỳ một đối tượng nào”.

 Ông Nguyễn Cao Kỳ – nguyên Phó Tổng thống chế độ Sài Gòn sau khi về quê hương, chứng kiến sự đổi thay của đất nước và những chủ trương, chính sách về hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phải công nhận và thẳng thắn bộc bạch: “Đã đến lúc phải hòa hợp, hòa giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người – một bộ phận rất nhỏ – cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phải nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất nước”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng mong muốn sẽ làm sứ giả để hòa giải và đoàn kết: “… Tôi muốn làm sứ giả hòa giải và kết hợp đại đoàn kết dân tộc… mọi công dân Việt Nam trên toàn thế giới là đoàn kết nhau lại, hợp sức xây dựng đất nước. Hãy quên quá khứ để nhìn về tương lai…”.

Hòa hợp dân tộc là một trong những truyền thống nhân văn, Đảng ta ngay từ khi ra đời và nhất là khi dành được chính quyền đã đặc biệt quan tâm và làm tốt vấn đề này. Hòa hợp để đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu của chúng ta, nhưng chúng ta không thể chấp nhận những kẻ tự cho mình là “người đại diện” cho “nguyện vọng đa số” để tuyên truyền đề xuất cho cái gọi là “phương cách hòa hợp”. Cần nhớ, hòa hợp không đồng nghĩa với xuyên tạc lịch sử, với vi phạm pháp luật. Chúng ta đang rộng vòng tay chào đón mọi người con Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới trở về trong hòa bình, trở về với tâm thế xây dựng đất nước… nhưng cũng cương quyết không chào đón, thậm chí phải loại bỏ những kẻ cơ hội, trở về nhằm mục đích chia rẽ, phạm pháp và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Trương Nhân Tuấn và đám cờ vàng chống phá hãy nhớ rõ điều đó.

 

 

0 nhận xét: