Sự tha hóa
quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trong bất cứ hoạt động,
lĩnh vực nào cũng phải cảnh tỉnh, phê phán.
Nhưng đáng
báo động hơn đối với những người được giao trọng trách nhân danh quyền lực nhà
nước làm nhiệm vụ thực thi và bảo vệ pháp luật lại có những hành vi bẻ cong cán
cân công lý, làm trái nguyên tắc phụng công thủ pháp, làm xói mòn niềm tin của
nhân dân vào thể chế chính trị và chuẩn mực pháp lý ở nước ta.
Hàng loạt
vụ “bảo kê” tội phạm bị phanh phui
Những năm gần
đây, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, diễn biến phức tạp, có tính chất, mức độ
tinh vi, xảo quyệt hơn. Thông thường, những kẻ phạm tội có xu hướng tìm mọi
cách móc nối, câu kết, mua chuộc quan chức, nhất là những người liên quan đến
thực thi các nhiệm vụ nhạy cảm, như: Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… nhằm
tìm kiếm sự đồng lõa, bao che, giấu giếm hành tung phạm tội.
Trong khi đó,
cán bộ, công chức trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được
Nhà nước, pháp luật trao những quyền hạn rất lớn, nếu họ thiếu bản lĩnh và bị
cám dỗ bởi tiền bạc, vật chất thì sẽ sa vào tình trạng: “Lợi dụng, lạm dụng chức
vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”-một
trong những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống đã được Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra.
Phát biểu tại
Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính tổ chức tháng 9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã cảnh báo, vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác
nội chính (công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, thi hành án…).
Đầu tháng
12-2021, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao đã bắt giam một
cán bộ Viện KSND huyện, một cán bộ Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) về tội
không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội trong vụ án Đường “nhuệ”. Trước
đó, tháng 10-2020, hai cán bộ thuộc Công an huyện Vũ Thư cũng bị bắt giam với tội
danh làm sai lệch hồ sơ vụ án Đường “nhuệ”.
Liên quan đến
vụ việc làm sai lệch hồ sơ vụ án sử dụng trái phép ma túy tại quận Đồ Sơn (Hải
Phòng), tháng 8-2021, cơ quan chức năng đã bắt giam 7 cán bộ Công an quận Đồ
Sơn. Cuối tháng 10 vừa qua, một lãnh đạo Viện KSND huyện Bạch Long Vĩ (nguyên
Phó viện trưởng Viện KSND quận Đồ Sơn) cũng bị tạm đình chỉ công tác vì có dấu
hiệu sai phạm liên quan đến vụ án này.
Một vụ việc
bao che hành vi vi phạm pháp luật hình sự ngay giữa Thủ đô tưởng như bị “chìm
xuồng” cách đây 6 năm, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng
Trung ương, tháng 9-2021, ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế
Công an TP Hà Nội, cùng 3 cán bộ khác thuộc Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bị
khởi tố về tội “tha trái pháp luật người bị bắt”.
Mới đây, Ủy
ban Kiểm tra Trung ương công bố quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với tập
thể Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh (nhiệm kỳ 2015-2020
và 2020-2025) cùng 3 cán bộ lãnh đạo chủ chốt và 2 cán bộ thuộc quyền của TAND
tỉnh này, do tự ý giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam
khi không đủ điều kiện. Liên quan vụ việc trên có 9 tập thể và 29 cá nhân bị
xác định sai phạm, tiêu cực đến mức phải xử lý.
Một vụ việc
điển hình liên quan đến sự tác động, can thiệp trái pháp luật của một số tướng
lĩnh, sĩ quan công an cao cấp nhằm giảm trách nhiệm, giảm án, chạy án cho đối
tượng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) kéo dài nhiều năm, trong đó có một cán bộ
lãnh đạo ngành tình báo công an được đối tượng này “lót tay” tới 5 tỷ đồng.
Có chuyên gia
pháp lý nhận định đây là vụ án “bảo kê” đối tượng vi phạm pháp luật mang tính
chất tinh vi nhất, nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề nhất về tổn thất cán bộ
cao cấp trong lực lượng công an.
Theo Báo cáo
công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao gửi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội
khóa XV, năm 2021, cơ quan điều tra của viện này đã thụ lý điều tra 46 vụ/61 bị
can, trong đó có 24 vụ/30 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư
pháp.
Viện KSND Tối
cao nhận định, tuy số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp
không nhiều, nhưng tính chất, mức độ và hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vì, chủ
thể của loại tội phạm này là những người thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
tội phạm và bảo vệ pháp luật nhưng họ đã có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng
đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm xói mòn niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, Nhà nước và nền pháp chế XHCN.
Hoàn thiện
cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ
pháp luật
Hàng loạt vụ
việc cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong hoạt động điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án bị phanh phui thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông “báo
động đỏ” về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức đảm nhiệm
thực thi và bảo vệ pháp luật nhưng lại làm trái pháp luật, chà đạp lên công lý,
gây bức xúc dư luận xã hội.
Thật đau xót
khi chúng ta chứng kiến những người một thời từng trực tiếp ký lệnh khởi tố người
này, bắt giam người khác vì hành vi phạm tội, thì nay lại trở thành đối tượng tội
phạm. Có những người được Nhà nước ủy quyền nhân danh công lý để góp phần bảo đảm
công lý cho xã hội và người dân, nhưng đã buông trôi quyền lực thực thi công lý
theo những đồng tiền chạy án để rồi tự họ trở thành đối tượng xét xử của tòa
án.
Theo ông Nguyễn
Văn Pha, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sự tha hóa quyền lực
của bất cứ cán bộ, đảng viên, công chức nào cũng đáng cảnh tỉnh.
Nhưng đáng cảnh
tỉnh nghiêm khắc hơn đối với những người được Nhà nước giao trọng trách “cầm
cân nảy mực” thực thi luật pháp nhưng vì lòng tham mà bán rẻ lương tâm, vi phạm
chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không làm tròn phận sự cao cả của người phụng
công thủ pháp. Đây là một trong những căn nguyên sâu xa làm mọt ruỗng thể chế
chính trị, từ đó có thể dẫn tới nguy cơ chuyển hóa bản chất chế độ pháp chế
XHCN ưu việt ở nước ta.
Muốn phòng ngừa,
ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức hoạt động
trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ pháp luật, việc cần kíp hiện nay là phải tập
trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan công an, tòa
án, viện kiểm sát, thi hành án; đồng thời sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất
là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Cùng với đó,
cần chú trọng xây dựng cơ chế và duy trì thực chất hoạt động thanh tra, kiểm
tra nhằm phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bảo đảm
nguyên tắc bất cứ cán bộ, công chức nào nắm giữ và thực thi quyền lực bảo vệ
pháp luật cũng phải chịu sự điều chỉnh, răn đe, trừng trị nếu vi phạm pháp luật.
Tuy vậy, mọi
cơ chế, chính sách dù có hoàn thiện đến đâu mà người thực thi lòng dạ không
trong sáng, lại bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thao túng thì cơ chế, chính
sách cũng khó phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, vấn đề căn cốt vẫn là giáo dục,
rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ, phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ,
công chức hoạt động trong lĩnh vực nội chính.
Ưu thế, sức mạnh
lớn nhất của những người thực thi và bảo vệ pháp luật so với các thành phần
khác trong xã hội là trong tay họ sở hữu “vũ khí luật pháp”. Vì thế, khi họ sử
dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng công năng của loại “vũ khí” này thì mới bảo đảm
cho những quy định của luật pháp được triển khai, thi hành chính xác, công bằng,
nghiêm minh trong cuộc sống, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước trong xã hội
và làm cho mọi người có cuộc sống yên lành, hạnh phúc.
Các cơ quan nội
chính như công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án được ví như “thanh bảo kiếm”
bảo vệ Đảng, “lá chắn” bảo vệ chế độ. Vì vậy, người lãnh đạo cao nhất của Đảng
ta đã yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức trong các cơ quan nội chính phải
thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc
bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ;
để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không viên đạn, mũi tên nào có thể
xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”. Đó là cách bảo vệ tốt
nhất, an toàn nhất cho mỗi người, mỗi tổ chức và ý nghĩa hơn, đó là bảo vệ tính
uy nghiêm tối thượng của luật pháp và bảo vệ những chuẩn mực tốt đẹp của nền
pháp chế XHCN.
Đảng viên
không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh
tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết
khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm
trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. (Điều 13, Quy định số 37-QĐ/TW
ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều
đảng viên không được làm)