Vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xét xử và tuyên án với 100 bị cáo trong
vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", "Khủng bố",
"Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép", "Che giấu
tội phạm" xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Hành vi mà 100 bị cáo
gây ra cực kỳ nghiêm trọng, xâm hại đến nền an ninh quốc gia. Các bị cáo đã trực
tiếp tước đoạt tính mạng của 9 người (trong đó có 4 chiến sĩ công an, 2 cán bộ
xã và 3 người dân), làm nhiều người khác bị thương; đập, đốt phá tài sản, tài
liệu của các cơ quan Nhà nước, tài sản của người dân…(tổng thiệt hại hơn 2,5 tỷ
đồng); gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh
trật tự. Hành vi của các bị cáo đã để lại hậu quả vô cùng lớn, làm ảnh hưởng xấu
đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết thúc buổi xét xử, Hội đồng Xét xử tuyên phạt mức án: Chung thân đối với 10
bị cáo, trong đó có 5 bị cáo thuộc nhóm cầm đầu gồm: Y Sôl Niê, H Wuễn Êban, Y
Jũ Niê, Y Thô Niê, Y Tim Niê. 5 bị cáo bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Các bị còn
lại bị tuyên phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù giam. Tuy nhiên, ngay sau khi bản án
được tuyên, một bộ phận dư luận đánh giá bản án này là nhẹ, chưa tương thích với
những hành vi phạm tội mà các đối tượng này gây ra và cần phải một bản án
nghiêm khắc hơn.
Có thể thấy, so với khung pháp luật thì những bản án trên đều nằm trong quy định.
Ở đây Hội đồng xét xử đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, mức độ khai báo và
hoàn cảnh của các bị cáo. Theo đó, nhiều bị cáo xét cho cùng cũng là nạn nhân của
các thế lực thù địch khi chúng lợi dụng trình độ nhận thức thấp, thiếu hiểu biết
pháp luật, nhẹ dạ cả tin, có bị cáo bị đe dọa, bắt phải tham gia. Nhiều bị cáo
sống tại các vùng kinh tế khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Một số bị
cáo sau khi gây án đã tự giác ra đầu thú.
Như vậy, Hội đồng xét xử đã xét rõ cả lý lẫn tình nhằm đảm bảo bản án vừa mang
tính răn đe, vừa tạo điều kiện để các đối tượng làm lại cuộc đời, thể hiện tính
nhân văn của pháp luật Việt Nam.